Bất cập trong quy định khoán chi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tác động của khoán chi có thể thấy rõ khi tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị chủ động chi tiêu một cách hiệu quả, tiết kiệm. Tuy nhiên, bên cạnh sự thông thoáng của cơ chế thì vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, không phù hợp với thực tế.

Mới đây, Vụ Hành chính-Sự nghiệp (Bộ Tài chính) đã tiến hành khảo sát các địa phương, trong đó có Gia Lai về tình hình thực hiện các chế độ chi thanh toán theo hình thức khoán, bao gồm: khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; chế độ khoán công tác phí; khoán kinh phí sử dụng điện thoại di động, điện thoại công vụ; khoán kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; mức khoán cho từng bộ phận, cá nhân theo cơ chế tự chủ tài chính; tình hình thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và quản lý kinh phí hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7-10-2013 của Chính phủ.

 

Nhiều đơn vị đang gặp khó khăn do các quy định về khoán chi có sự bất cập.  Ảnh: Đức Thụy
Nhiều đơn vị đang gặp khó khăn do các quy định về khoán chi có sự bất cập. Ảnh: Đức Thụy

Tại Gia Lai, theo báo cáo của Sở Tài chính, khoán chi đã góp phần thúc đẩy các cơ quan rà soát lại chức năng nhiệm vụ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy gọn nhẹ; sử dụng, bố trí công chức, viên chức (CCVC) phù hợp về trình độ chuyên môn đào tạo, năng lực thực tế. Khoán chi đã tạo thuận lợi cho đơn vị chủ động trong quá trình chi tiêu.

Căn cứ theo đó, đơn vị được tự quyết định bố trí số kinh phí được giao tự chủ vào các mục chi cho phù hợp, được quyền điều chỉnh giữa các mục chi, từ mục này sang mục khác. Đồng thời, thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính trong các khâu phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.

Trao đổi thêm về nội dung này, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, cho biết: Đài đang thực hiện khoán văn phòng phẩm theo quý cho các phòng, ban với mức khoán từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng; thực hiện khoán kinh phí về mỹ phẩm, trang phục, đi lại... Hiện nay, Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đã lạc hậu, bất cập nên đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, việc khoán kinh phí quản lý hành chính giao cho các đơn vị thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm hàng năm xác định trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao và định mức phân bổ ngân sách nhà nước tính trên biên chế.

Tuy nhiên, biên chế được giao chưa phù hợp với mô tả vị trí việc làm. Vì vậy, việc phân bổ kinh phí thực hiện tự chủ còn chưa thật phù hợp với nhiệm vụ được giao. Mặt khác, kinh phí giao thực hiện tự chủ nhưng vẫn phải đảm bảo có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, hợp lệ theo quy định tại Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7-10-2013 của Chính phủ.

Trong khi đó, có những khoản chi có thể khoán cho CCVC mà không cần hóa đơn, ví dụ khoán văn phòng phẩm, đồ dùng văn phòng, kinh phí tàu xe đi công tác, chi phí tiền ngủ, phụ cấp công tác phí... nên chưa tạo sự chủ động trong triển khai công việc.

Nghị định số 130/2005-NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước có quy định về biên chế.

Căn cứ số biên chế được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được quyền chủ động trong việc sử dụng biên chế, được hợp đồng thuê khoán công việc và hợp đồng lao động đối với một số chức danh theo quy định của pháp luật trong phạm vi nguồn kinh phí quản lý hành chính được giao.

Tuy nhiên, tại Công văn số 2843/BNV-CCVC ngày 29-7-2014 của Bộ Nội vụ quy định: Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính. Với những quy định nêu trên, các cơ quan hành chính nhà nước chưa tuyển được biên chế theo quy định thì không được hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, cơ quan không có nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xử lý công việc chậm, không đảm bảo thời gian quy định.
 

Liên quan đến đề xuất về việc triển khai khoán chi trong thời gian tới, Sở Tài chính đề nghị nên khoán tổng thể về kinh phí giao tự chủ, giao thường xuyên để các cơ quan, đơn vị quyết định hình thức sử dụng thanh toán theo hóa đơn thực tế hoặc thanh toán khoán cụ thể không cần hóa đơn. Đồng thời, đề nghị giao cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và xây dựng nội dung khoán chi, được xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, băn khoăn: Kiểm lâm là một lượng rất đặc thù, có thể hoạt động 24/24 giờ hoặc 2-3 ngày liên tục. Do vậy, lịch công tác không thể hiện được một cách quy củ như các đơn vị hành chính thuần túy khác.

Địa bàn hoạt động của lực lượng này rất rộng, đa dạng về cung đường đi lại. Do vậy, việc áp dụng các chính sách hiện hành của Nhà nước quy định như các đơn vị hành chính thuần túy thì rất khó khăn cho lực lượng Kiểm lâm. Đối với vấn đề khoán chi, hợp đồng hiện có nhiều bất cập. Thiếu hụt về biên chế, trách nhiệm được giao nặng nề nhưng hiện nay chúng tôi buộc lòng phải cắt hợp đồng lao động theo chỉ đạo mới, dù rằng nguồn chi hợp đồng được sử dụng từ tiết kiệm chi.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.