Ia Pa chủ động tránh lũ cho vụ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bước vào vụ mùa 2017,  huyện Ia Pa đã chủ động thay đổi lịch gieo trồng sớm hơn nửa tháng và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích hợp để đảm bảo tiến độ vụ mùa và phòng tránh lũ cuối vụ.

Từ giữa tháng 5, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa đã chủ động triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa cho kịp tiến độ; đồng thời, giúp nông dân nhanh chóng xuống giống gieo trồng. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa mưa năm nay sẽ đến sớm và diễn biến khó lường. Chính vì thế, trên cơ sở chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT và lịch trình mở nước của Công ty cổ phần Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo các xã, hợp tác xã nông nghiệp khuyến cáo nông dân lịch trình gieo sạ vụ mùa phù hợp.

 

Nông dân xã Ia Ma Rơn chuẩn bị đất gieo sạ lúa vụ mùa.                        Ảnh: Đ.P
Nông dân xã Ia Ma Rơn chuẩn bị đất gieo sạ lúa vụ mùa. Ảnh: Đ.P

Đặc điểm của đồng đất Ia Pa chia thành 2 vùng rõ rệt, trong đó, diện tích nằm ngoài vùng tưới của công trình thủy lợi Ayun Hạ gồm các xã: Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân và 4 xã phía Đông sông Ba là Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố, Ia Kdăm, người dân đã chủ động xuống giống từ giữa tháng 5. Đối với hơn 1.400 ha lúa vụ mùa sử dụng nước các trạm bơm điện ở các xã này, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo các xã, hợp tác xã chủ động be bờ dẫn nước từ sông Ba, sông Tul vào để người dân xuống giống kịp thời. Đến nay, lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh, phát triển tốt. Riêng đối với gần 100 ha chân ruộng trũng thường bị ảnh hưởng bởi lũ lụt các năm trước ở khu vực các xã Ia Trok, Ia Tul, Ia Broăi và các chân ruộng sát bờ sông Ayun, sông Tul, sông Ba, bà con đã xuống giống sớm hơn (từ đầu hoặc giữa tháng 5).

Một thay đổi là năm nay diện tích hơn 1.600 ha lúa nước thủy lợi tại xã Ia Trok và Ia Ma Rơn phải xuống giống chậm vì đến ngày 1-6, công trình thủy lợi Ayun Hạ mới mở nước (chậm hơn các năm trước đến nửa tháng). Do đó, để hạn chế thiệt hại có thể gặp phải do mưa lũ vào cuối vụ thu hoạch, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo 2 xã và các hợp tác xã khuyến cáo bà con thay đổi cơ cấu giống lúa sang trồng lúa trung và ngắn ngày. Ông Nguyễn Văn Diện-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, cho hay: “Phòng khuyến cáo người dân 2 xã Ia Trok và Ia Ma Rơn trồng các giống lúa ngắn ngày như: DV 108, TH 6, ML 48, MT 10… UBND huyện đã tiếp nhận và cấp phát kịp thời giống lúa, bắp do tỉnh cấp hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả hạn hán, mưa lũ để nông dân xuống giống gieo sạ kịp thời vụ”.  

Hiện nay, nông dân 2 xã Ia Trok và Ia Ma Rơn đang tập trung ra đồng gieo sạ đại trà diện tích lúa nước thủy lợi. Ông Ksor Chut (làng Đak Chá, xã Ia Ma Rơn) cho biết: “Phải mất 1 tuần kể từ khi Xí nghiệp Thủy nông kênh chính Ayun Hạ mở nước (ngày 1-6) thì nước mới về đến ruộng. Lúc đó, chúng tôi tập trung ra đồng cày đất để xuống giống. Nhà tôi có 2 sào lúa, vì xuống giống muộn nên trồng giống ngắn ngày ML 48 để kịp thời vụ thu hoạch vào cuối tháng 9 trước khi mùa mưa lũ về”.

Để tạo thuận lợi cho nông dân xuống giống, ngay từ khi kết thúc vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các hợp tác xã tổ chức kiểm tra toàn bộ hệ thống kênh mương, trạm bơm điện để tiến hành tu sửa, nạo vét, khơi thông cống rãnh nội đồng đảm bảo cung cấp nước kịp thời cho nhân dân gieo sạ. Bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã kiên cố hóa hơn 3.900 mét kênh mương với kinh phí 3,9 tỷ đồng phục vụ tưới nước cho vụ mùa. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn cho người dân ở các hợp tác xã và các xã về biện pháp gieo trồng, chăm sóc cây lúa và phương pháp phòng-chống rầy nâu, rầy lưng trắng truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn. Huyện Ia Pa cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở cung ứng lúa giống trên địa bàn để chấn chỉnh việc cung ứng giống và buộc các chủ cơ sở kinh doanh ký cam kết về chất lượng nguồn giống bán cho dân.

 

Ông Nguyễn Văn Diện-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa: Đến nay, toàn huyện đã gieo trồng được trên 16.550 ha cây trồng các loại, đạt hơn 82% kế hoạch. Trong đó, một số cây trồng chính đạt cao như: lúa nước đạt 2.500 ha, mì đạt 5.389 ha, mía 3.500 ha, bắp 1.627 ha... Các địa phương có diện tích lúa đạt cao như: Chư Mố, Ia Ma Rơn, Ia Trok. Theo lịch thời vụ, đến ngày 30-9, huyện Ia Pa sẽ kết thúc vụ mùa năm nay.

Riêng đối với diện tích cây trồng cạn, do năm nay mùa mưa đến sớm, độ ẩm trong đất cao nên từ cuối tháng 4, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các xã vận động nông dân xuống giống kịp thời các loại cây trồng như: mía, mì, bắp, đậu… Một điểm nổi bật nữa là trong vụ mùa 2017, huyện Ia Pa đã vận động nông dân chuyển đổi diện tích khô hạn lâu nay trồng lúa cạn năng suất thấp ở các xã phía Đông sông Ba sang trồng mía được trên 300 ha; trong đó có cánh đồng mía lớn đạt tiêu chuẩn rộng 80 ha ở xã Chư Mố và một số mô hình cánh đồng mía do nông dân liên kết với Nhà máy Đường Ayun Pa để sản xuất. Cùng với đó, huyện cũng đang vận động Nhà máy Tinh bột sắn đóng tại xã Pờ Tó liên kết với nông dân để xây dựng cánh đồng mì mẫu lớn có ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm giá mì cho nông dân. Hiện đã có hàng trăm hộ nông dân đăng ký tham gia với diện tích hơn 500 ha.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.