Tìm giải pháp xây dựng cánh đồng lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng, phát triển cánh đồng lớn trên một số cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, để mô hình cánh đồng lớn thực sự đem lại hiệu quả cao thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước, sự chung tay của doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông.

Còn vướng mắc

Sau 5 năm triển khai, mô hình cánh đồng lớn trên một số cây trồng chủ lực của tỉnh đã và đang cho thấy đây là phương thức sản xuất tiên tiến, mang lại hiệu quả cao, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn cũng bộc lộ không ít vướng mắc cần được giải quyết, đặc biệt là mối liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) còn nhiều bất cập, kém hiệu quả, chưa tạo được lòng tin cho nhau.

 

Huyện Phú Thiện đang bắt đầu triển khai các mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa.                                               Ảnh: Q.T
Huyện Phú Thiện đang bắt đầu triển khai các mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa. Ảnh: Q.T

Bà Vũ Thị Lan-Giám đốc Nguyên liệu Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai, cho biết: Rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp chưa thể đẩy mạnh việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn chính là cơ sở hạ tầng. Để sản xuất có hiệu quả thì nguồn nước rất quan trọng nhưng hệ thống kênh mương thủy lợi, đường điện... tại các vùng nguyên liệu chưa đảm bảo dù Công ty đã triển khai đầu tư ở một số nơi nhưng do nguồn kinh phí quá lớn nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong việc dồn điền, đổi thửa còn hạn chế. Họ sợ mất đất hay còn đắn đo về tính hiệu quả khi dồn điền đổi thửa.  

Mặt khác, trong quá trình xây dựng cánh đồng lớn, giữa doanh nghiệp và người dân đã xảy ra một số mâu thuẫn làm mất lòng tin của nhau. Người dân cho rằng doanh nghiệp thường ép giá nông sản mỗi khi được mùa. Còn phía doanh nghiệp thì cho rằng nông dân hủy hợp đồng đã ký kết để bán nông sản cho nơi khác có giá cao hơn.

Cùng với đó, việc quy hoạch từng loại cây trồng cho từng vùng nguyên liệu còn bất cập, việc định hướng thị trường cho nhà nông, nhà doanh nghiệp chưa tốt… Đặc biệt, việc dồn điền, đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm chỉ đạo đúng mức, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong khi đó, tuy giữ vai trò rất quan trọng trong chuỗi liên kết, giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí đầu tư nhưng do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng nên nhà khoa học chưa tích cực.

Đặc biệt, trong số 6 loại cây trồng chủ lực của tỉnh (hồ tiêu, cà phê, mía, mì, lúa và rau màu) thì chỉ có cây mía được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng cánh đồng lớn. Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho biết: Thời gian qua, huyện đã đứng ra xây dựng mẫu nhiều mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa và đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những mô hình mẫu chứ chưa thể nhân rộng bởi hiện chưa có doanh nghiệp nào đứng ra liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, trong khi các hợp tác xã thì lại không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất trong phát triển cánh đồng lớn trên các loại cây trồng của huyện hiện nay vẫn là việc thu hút doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đủ tiềm lực đứng ra thực hiện.

Đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn

Theo kế hoạch phát triển cánh đồng lớn của tỉnh, đến năm 2020, mục tiêu xây dựng các cánh đồng lớn đối với cây cà phê là 4.600 ha, hồ tiêu 400 ha, 4.500 ha mía, 4.500 ha mì, 3.200 ha lúa và 29 ha rau màu; đến năm 2025 sẽ có 8.600 ha cà phê, 780 ha hồ tiêu, 8.600 ha mía, 9.000 ha mì, 6.600 ha lúa và 42 ha rau màu. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, đảm bảo nông dân và doanh nghiệp đều được lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, giải quyết được vấn đề sau thu hoạch thì cần sự chung tay của 4 nhà. 

 

Trồng mía ở An Khê.    Ảnh: Hồng Thi
Trồng mía ở An Khê. Ảnh: Hồng Thi

Bà Vũ Thị Lan cho rằng, Nhà nước cần quan tâm vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc quy hoạch lại vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng với doanh nghiệp thực hiện tốt các dự án cánh đồng lớn, từ đó tạo niềm tin cho cả doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Công ty cũng sẽ có chính sách hỗ trợ nông dân tham gia cánh đồng lớn. Theo đó, Công ty sẽ ưu đãi vốn đầu tư, hỗ trợ một phần chi phí cày, bừa, làm đất; đầu tư không thu hồi giống, phân bùn; hỗ trợ người dân từng bước đưa cơ giới vào sản xuất và thu hoạch…

Ông Y Nguyên-Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết: Để đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển cánh đồng lớn, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn. Theo đó, tỉnh đã đồng ý cho 2 doanh nghiệp tiến hành xây dựng 4 dự án cánh đồng mía lớn ở các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh, với quy mô 600 ha và khoảng 300 hộ dân tham gia. Tổng kinh phí đề xuất thực hiện các dự án trên 73,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 4 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 66 tỷ đồng, vốn vay và vốn khác khoảng 3,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các mô hình cánh đồng lớn có hiệu quả đến người dân; đào tạo nghề cho lao động để phục vụ sản xuất; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành phần tham gia xây dựng cánh đồng lớn; mở rộng hợp tác, kêu gọi thu hút đầu tư, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước với các hợp tác xã, nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ; tìm kiếm giống cây trồng chất lượng cao phục vụ sản xuất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật… Bên cạnh đó, tỉnh có giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao hơn nữa năng lực của các cơ sở nghiên cứu, cơ sở nuôi cấy mô, đặc biệt là các trung tâm trực thuộc cơ quan nhà nước.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.