Bài 1: Xe buýt-Một phần tất yếu trong phát triển vận tải công cộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vận tải hành khách công cộng đang là xu thế phát triển của nhiều địa phương. Từ lâu, xe buýt được biết đến như một lựa chọn tiện ích và phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân có thu nhập thấp. Không những vậy, đó còn là một hình ảnh văn minh, hiện đại mang tính an toàn cao trong xã hội ngày nay.

Có mặt trên chuyến xe buýt đi từ Trung tâm Thương mại Pleiku đến TP. Kon Tum vào ngày cuối tuần, chúng tôi có chuyến trải nghiệm đầy thú vị. Đại đa số người dân chọn phương tiện xe buýt không chỉ vì vấn đề kinh phí mà còn vì những tiện ích khác. “Giá vé xe buýt đi từ Pleiku đến Kon Tum rẻ hơn xe khách 5 ngàn đồng (giá vé là 25 ngàn đồng/lượt). Tuy hơi đông vào ngày cuối tuần nhưng được cái không lòng vòng đón khách như xe đò”- chị Linh, một hành khách thân thuộc với xe buýt Thái Hòa (TP. Kon Tum) cho hay. Cùng suy nghĩ ấy, bà Tư (ngụ tại phường Thống Nhất) nói: “Xe chạy đúng tốc độ, không gây mất an toàn giao thông là khách hàng cảm thấy yên tâm lắm rồi”.

 

Ảnh: Tú Uyên
Ảnh: Tú Uyên

Trước đây đã từng có nhiều hãng xe buýt cùng khai thác hoạt động trên địa bàn tỉnh như: Đức Long, Vân Nam và Thái Hòa... Lúc bấy giờ, loại hình vận tải này còn rất mới, chưa tạo được sự quan tâm và thói quen đi lại của người dân. Sau thời gian kinh doanh không đạt hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã bỏ cuộc. Đến nay, tỉnh Gia Lai chỉ có một đơn vị kinh doanh xe buýt là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long-Gia Lai, cùng Hãng xe buýt Thái Hòa khai thác tuyến Gia Lai-Kon Tum. Theo thống kê, hai hãng xe cùng khai thác 7 tuyến với 21 đầu xe có sức chứa từ 42 đến 65 chỗ ngồi và chỗ đứng, đảm bảo phục vụ 1.462 hành khách/ngày. Trong đó, xe buýt Đức Long có 14 chiếc chạy 5 tuyến đường từ TP. Pleiku đi các huyện: Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pưh, Mang Yang và thị xã An Khê; cùng 1 tuyến nội thành.
 

Có 7 tuyến xe buýt:
- Bến xe Đức Long-Trung tâm Thương mại Pleiku.
- Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai-ngã ba Plei Bông (huyện Mang Yang).
- Ngã ba Plei Bông-Bến xe An Khê.
- Bến xe Đức Long-thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh).
- Bến xe Đức Long-thị trấn Chư Prông.
- Trung tâm Thương mại Pleiku-xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) và 1 tuyến liên tỉnh Trung tâm Thương mại Pleiku-TP. Kon Tum.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Chiến Đấu- quyền Giám đốc Bến xe Đức Long, cho biết: “Tháng 5-2006, xe buýt Đức Long chính thức đi vào hoạt động, từ những ngày đầu đã quy định thời gian phục vụ hành khách rất sớm từ 5 giờ đến 17 giờ 30 phút. Tuy nhiên, do tính chất công việc của đại bộ phận người dân, vẫn có một số chuyến xuất bến khá trễ so với quy định (9 giờ sáng và đóng lúc 20 giờ) nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng”. Chị Ngô Thanh Tuyền-khách hàng trên chuyến xe buýt Đức Long đi huyện Chư Prông, cho biết: “Có lần hai mẹ con tôi phải lên huyện từ 5 giờ sáng. Giờ ấy mà đi xe đò thì lại sợ. Nhưng rất may xe buýt Đức Long phục vụ khách từ sớm lắm”. Theo quy định thì các tuyến có tần suất là 15 phút, 30 phút, 45 phút, nhưng trong thực tế có nhiều tuyến không bảo đảm được thời gian quy định vì mật độ dân số phân bố không đều, lượng khách không ổn định; có tuyến tần suất phục vụ tương đối thấp (giãn cách từ 60 phút đến 120 phút). Quan sát cho thấy, khách hàng thường có nhu cầu đi lại nhiều nhất vào chiều thứ sáu, sáng thứ hai và 2 ngày thứ bảy, chủ nhật. Lượng khách đi lại thường tăng đột biến vào những ngày này kéo theo tần suất giữa các chuyến cũng thay đổi.

Mặc dù được đánh giá là loại hình vận tải hành khách giá rẻ, tiện ích nhưng  từ sau năm 2010 trở lại đây, số lượng hành khách tham gia phương tiện này ít hơn hẳn. Lý giải điều này, Giám đốc Hãng xe buýt Đức Long cho hay: “Chi phí chấp nhận bỏ ra cho nhu cầu đi lại bằng xe buýt ngày càng ít là do tâm lý người dân lên xe là phải được ngồi, trong khi đó, cung không đủ cầu đã gây một số phản ứng không tích cực”. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia vận tải, mức chi tiêu hợp lý và được người dân có thu nhập thấp chấp nhận cho chi phí đi lại bằng xe buýt sẽ không vượt quá 10% thu nhập của họ. Nếu vượt quá con số trên sẽ khó thu hút được nhiều người sử dụng phương thức này.

Hiện nay ở Gia Lai, theo mức cước bình quân cho 1 hành khách/km là 520 đồng. Với cự ly đi lại bình quân của hành khách khoảng 24,3 km/lượt, thì mức giá vé phải trả của khách là 12.636 đồng/lượt. Một người sử dụng xe buýt để đi làm mỗi ngày hai lượt và số ngày làm việc là 22 ngày/tháng thì mức chi vào khoảng 556.000 đồng/tháng, so với mức thu nhập bình quân của người dân là 1,625 triệu đồng/người/tháng (theo kết quả công bố năm 2011) thì chi phí đi lại bằng xe buýt chiếm đến 34,2% thu nhập. Như vậy, mức giá vé hiện tại chưa thật sự hấp dẫn và khuyến khích người dân trong địa bàn tỉnh đi lại bằng xe buýt.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.