Khi người dân chung tay xây dựng nếp sống văn minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội, sự nghiệp văn hóa của tỉnh cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận. Qua 15 năm thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đang ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần tạo nếp sống văn minh trong mọi tầng lớp nhân dân.

Phong trào phát triển rộng khắp

Những năm trước đây, người dân làng Blà (xã Đak Song, huyện Kông Chro) vẫn duy trì tập quán du canh du cư. Như bao gia đình khác, gia đình anh Đinh Lích cũng gặp muôn vàn khó khăn khi nguồn sống chỉ trông chờ vào diện tích bắp, lúa ít ỏi được trồng trên diện tích đất phát hoang. “Cứ tưởng gia đình mình và bà con làng Blà sẽ mãi luẩn quẩn nghèo đói như vậy, nhưng nhờ xã, huyện tạo điều kiện cho mình tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, tham quan các mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác, mình dần áp dụng vào thực tế gia đình nên cuộc sống từng bước được cải thiện”-anh Đinh Lích chia sẻ.

 

Đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà (bên trái) tặng bằng khen cho 9 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.      Ảnh: P.L
Đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà (bên trái) tặng bằng khen cho 9 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ảnh: P.L

Với nguồn vốn ít ỏi ban đầu, anh Lích đầu tư chăn nuôi heo, bò, gà theo hướng gối đàn, tự sản xuất con giống để giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm. Khi có vốn tích lũy, anh đầu tư trồng cây keo, mì, bắp, ớt, bí theo kiến thức được tập huấn. Từ đó, gia đình anh dần có của ăn của để, mua sắm được những đồ gia dụng hiện đại, con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Anh Đinh Lích phấn khởi nói: “Bây giờ thu nhập của gia đình mình đạt 50-60 triệu đồng/năm. Nhà mình đã sắm được máy tuốt lúa, nuôi gần 100 con gia cầm các loại và 15 con bò. Không chỉ gia đình mình mà đời sống của bà con trong làng Blà bây giờ cũng khá hơn nhiều lắm. Làng có 300 nhân khẩu, 98% là người Bahnar, trung bình mỗi năm trong làng có 2-3 hộ thoát nghèo”.

Phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) cũng là một trong những địa phương triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt hiệu quả. Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sát sao của Ban chỉ đạo phong trào thị xã, phường Cheo Reo đã từng bước đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng có chất lượng, hiệu quả. Công tác xây dựng gia đình văn hóa phát triển mạnh gắn liền với phong trào xây dựng tổ dân phố, xây dựng đô thị văn minh đạt kết quả năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2007, phường Cheo Reo có 61,7% gia đình văn hóa thì đến năm 2015 đã tăng lên 84%. Hàng năm, cả 5/5 tổ dân phố của phường đều được công nhận danh hiệu văn hóa. Đặc biệt, tổ dân phố 3 đã giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hóa suốt 11 năm liền (từ 2004 đến 2105). Không chỉ vậy, việc thực hiện hương ước, quy ước trong tổ dân phố đã phát huy được hiệu quả, phong tục tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.     

 

Đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh: “15 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở tỉnh ta đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia ủng hộ tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, các tầng lớp nhân dân, trở thành cuộc vận động văn hóa lớn mang tính Quốc gia nhằm chấn hưng và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Phong trào đã góp phần hình thành nhiều điển hình văn hóa, chứng tỏ “sức mạnh mềm” của văn hóa đối với phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao chất lượng sống của con người”.

Bước đệm cho giai đoạn tiếp theo

Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát huy hiệu quả tích cực, mỗi ngành chủ trì một hoạt động chủ chốt, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, chuyên môn nghiệp vụ. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện phong trào “Xóa đói giảm nghèo”; ngành Công an tích cực xây dựng điểm sáng văn hóa, lồng ghép các chương trình phòng-chống tội phạm, phòng-chống ma túy; ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch với phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, khu phố văn hóa” và phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”…

Quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa… đã làm cho các tiêu chí văn hóa đi vào cuộc sống, tạo ra những chuẩn mực của xã hội, dần thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và từng cộng đồng dân cư. Từ đó góp phần tạo nên môi trường văn hóa, nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao từng bước đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2010 là 27,56% thì đến cuối 2015, tỷ lệ này chỉ còn 11,36%.

Từ nay đến năm 2020, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục củng cố, nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đã đạt được; phấn đấu đạt các tiêu chí về xây dựng văn hóa nông thôn mới cấp xã; trên 70% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 50% trở lên số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 75% trở lên thôn làng có nhà văn hóa và khu thể thao đạt quy định của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch; trên 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Để làm được điều đó, thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; huy động, vận động, khuyến khích các địa phương, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp hỗ trợ trang-thiết bị hoạt động văn hóa, thể thao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa… Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao. Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng nhằm nhân rộng hơn nữa các cá nhân, tập thể tiên tiến, xuất sắc…

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Đối thoại để tạo đồng thuận xã hội

Đối thoại để tạo đồng thuận xã hội

(GLO)- Thời gian qua, việc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân đã được triển khai một cách hiệu quả. Đây là giải pháp hữu hiệu để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong dân, từ đó tạo đồng thuận trong xã hội.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.