Kbang chăm lo cho học sinh vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kbang là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong việc chăm lo cho học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước mỗi năm học mới. Năm nay, Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Kbang đã tiếp nhận lượng sách vở, truyện tranh, bút và đồng phục mới trị giá hàng trăm triệu đồng của các nhà hảo tâm khắp mọi miền đất nước dành cho các em học sinh của huyện.

Trước thềm năm học mới 2017-2018, ngoài việc đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác dạy và học cũng như chuẩn bị tốt nhất về mặt chuyên môn cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục, Phòng GD-ĐT huyện Kbang đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Một đoàn từ thiện trao quà cho học sinh Trường Tiểu học Đê Ba (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trong dịp khai giảng năm học 2016-2017.                                                                                                                            Ảnh: N.G
Một đoàn từ thiện trao quà cho học sinh Trường Tiểu học Đê Ba (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trong dịp khai giảng năm học 2016-2017. Ảnh: N.G

Ông Lê Thanh Hải-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kbang, cho biết: “Năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT Kbang đã nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của chính quyền địa phương với hơn 19,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học. Trong đó, hơn 18,3 tỷ đồng được dùng để xây mới 13 phòng học, 2 nhà hiệu bộ, 4 phòng bộ môn, 1 nhà đa năng, 3 nhà vệ sinh, 2 giếng nước, 3 sân bê tông; sửa chữa nhà ăn, một số phòng học, nhà đa năng. Nguồn kinh phí còn lại dùng để mua sắm trang-thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp cho học sinh trường bán trú. Sự đầu tư về cơ sở vật chất như vậy chính là động lực để toàn ngành cố gắng hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trong năm học mới. Bên cạnh đó, công tác vận động, quyên góp giúp đỡ học sinh vùng khó khăn đã trở thành hoạt động thường niên hiệu quả để chúng tôi huy động học sinh đến trường cũng như duy trì sĩ số học sinh trong suốt năm học”.

Không phải ngẫu nhiên mà ngành GD-ĐT huyện Kbang lại nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của các nhà hảo tâm đến từ khắp nơi trên cả nước trước thềm mỗi năm học mới. Điều này có được là nhờ tâm huyết của những người làm giáo dục, của đội ngũ thầy-cô giáo. Là một người rất tích cực trong việc vận động, quyên góp cho học sinh, anh Nguyễn Tiến Bình-chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Kbang, nói: “Chúng tôi đã cho người ta thấy được sự nỗ lực thay đổi, hoàn thiện chất lượng giáo dục bằng những cách làm hay, hiệu quả nên đa số Mạnh Thường Quân quan tâm tới giáo dục vùng sâu thường quay lại với chúng tôi trước mùa tựu trường và rải rác trong năm học bằng những sự hỗ trợ rất kịp thời và thiết thực. Đây chính là động lực vô cùng quý giá để các em học sinh và thầy-cô giáo cùng nhau cố gắng vượt qua mọi khó khăn”. Cũng theo anh Bình, đây còn là động lực để mỗi trường xây dựng thương hiệu, tạo điểm nhấn trong giáo dục nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà hảo tâm, mang lợi ích về cho học sinh của mình.

Là một người gắn bó với các chuyến hỗ trợ học sinh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc, chị Trần Thanh (giáo viên tại tỉnh Nam Định) bày tỏ cảm xúc khi đến với học sinh vùng khó huyện Kbang: “Tôi thực sự xúc động trước tấm lòng của các thầy-cô giáo vùng sâu của huyện Kbang khi họ đã dành cả tâm huyết cho học trò. Bản thân cũng là một giáo viên nhưng tôi thấy thầy cô ở đây đã làm được rất nhiều việc vượt xa cái gọi là trách nhiệm của một nhà giáo để mang lại lợi ích cho học sinh. Chính điều đó đã khiến đoàn từ thiện của chúng tôi luôn muốn quay lại đây hỗ trợ một phần bút, vở, truyện tranh cho các em học sinh và cũng coi đây như một sự giúp đỡ  nhỏ cho các thầy-cô giáo. Bởi chúng tôi biết, nếu không có các đoàn thiện nguyện, thầy cô ở đây sẵn sàng bỏ lương của mình ra để mua sắm đồ dùng học tập cho các em”.

Mùa tựu trường 2017-2018 đã đến, những món quà ý nghĩa của các nhà hảo tâm đang được sắp xếp gọn gàng để trao lại cho các em học sinh trong ngày khai giảng. “Những cuốn truyện tranh của các Mạnh Thường Quân trong mấy năm gần đây thực sự đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các trường thúc đẩy văn hóa đọc và tăng cường tiếng Việt cho các em rất hiệu quả”-cô Nguyễn Thị Tình-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đê Ba (xã Tơ Tung), cho biết.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm