Xuân bên bờ Krông Năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một ngày chớm xuân, tôi trở lại Krông Năng (huyện Krông Pa, Gia Lai) sau nhiều năm xa cách. Chiếc xuồng con bé nhỏ cập bờ cạnh chân cầu. Chàng “ngư phủ” khuân thùng xốp đựng cá từ dưới xuồng lên bán cho một chị hàng đợi sẵn. Cảnh bán mua diễn ra chóng vánh, nhẹ nhàng. Ngồi bên bờ sông, lòng phấn chấn trước những đổi thay xen lẫn một niềm bâng khuâng khó tả.



Con đường và cây cầu   

Ngày trước, khi cây cầu Krông Năng chưa có, từ thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) muốn đến Krông Năng phải theo một trong hai con đường và đều phải qua sông hoặc từ thị trấn băng qua hoặc thẳng xuống buôn Học (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) lên đò sang sông, men theo triền sông chục cây số nữa thì tới trung tâm xã. Bây giờ từ tỉnh xuống theo quốc lộ 25 đến xã Ia Rsươm rẽ phải theo đường Trường Sơn Đông cực tốt, thẳng hướng về phía Nam hơn 40 cây số là tới nơi.

Đường tốt, thời tiết tốt nên khoảng cách như được rút ngắn lại. Cung đường qua các xã Ia Rsươm, Uar, Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Hdreh lần lượt trôi qua. Và kìa, dòng Krông Năng loáng rộng, ắp đầy, đem lại cảm giác thơ thới, mát mẻ, dễ chịu lạ thường.  

Chiếc xuồng con cập bờ cạnh chân cầu. Chàng “ngư phủ” tên Thái (trú tại thị trấn Phú Túc) khuân thùng xốp đựng cá từ dưới xuồng lên bán cho một chị hàng đợi sẵn. Cảnh bán mua diễn ra chóng vánh, nhẹ nhàng, vui vui. Thái khoe mấy con chép lớn 3-5 kg, giá bán 30.000 đồng/kg. Hơn 10 năm hành nghề tại đoạn sông này, buông lưới từ 12 giờ đến 19 giờ, bao nhiêu cá đem về, hôm sau Thái mới bán. Mùa đánh bắt cá trên sông này kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5. Sông này nhiều nhất là cá rô phi, kế đến là cá chép, cá lóc, cá trắm… Thái cùng vài ba người đánh bắt cá bằng ghe chèo cỡ nhỏ, điều khiển bằng chân, cách cầu Krông Năng khoảng 2 km chứ không đi xa. “Phía buôn Học, người ta đánh bắt mới nhiều, bằng ghe máy, đi xa đến chục cây số”-Thái nói.

 Chiến lợi phẩm của “ngư phủ” Thái trên dòng Krông Năng. Ảnh: T.S
Chiến lợi phẩm của “ngư phủ” Thái trên dòng Krông Năng. Ảnh: T.S



Lặng nhìn cây cầu “lịch sử” nối đôi bờ mặc cho thời gian trôi. Còn đây ngày khởi công xây dựng và khánh thành cây cầu này. Đã mười mấy năm rồi, cây cầu như một chứng nhân lưu dấu thành tích của ngành Giao thông-Vận tải, nhưng hơn thế là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh với quyết tâm xây dựng cây cầu vững chãi, vĩnh viễn chấm dứt tình trạng chia cắt đôi bờ. Nằm trên con đường thiên lý Trường Sơn Đông quy mô, hiện đại vừa được xây dựng, cây cầu có vẻ khiêm tốn nhưng vai trò, ý nghĩa của nó thì chắc chắn còn được nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân nơi này nhớ tới.

Ấn tượng tốt đẹp về một vùng đất càng được củng cố khi Chủ tịch UBND xã Krông Năng Kpă Thuân cho hay: Xã có 4 thôn, buôn, 733 hộ với 3.654 khẩu. Nguồn thu nhập chính của bà con Jrai nơi đây là trồng lúa rẫy, mì, bắp, thuốc lá, đậu đỗ các loại. Tổng diện tích gieo trồng (2 vụ) năm nay là trên 1.200 ha. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi là hoạt động đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Toàn xã hiện có 5.123 con bò (11,4% bò lai), 266 con dê, đàn heo lên đến cả ngàn con, cùng đàn gia cầm phong phú và số lượng lớn.

Dạo quanh quan sát một lượt, nhà xây, nhà sàn, nhà dài, trụ sở, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng... khang trang, mới mẻ, nổi bật. Nó khác xa hoàn toàn với lúc mới tổ chức tái định cư, di dời các hộ dân bị ngập khi công trình thủy điện Sông Ba hạ tích nước.

3 mặt giáp Phú Yên và Đak Lak  

Anh Rơcom Hiếu-cán bộ kiểm lâm địa bàn phụ trách cụm Krông Năng, Ia Hdreh, Ia Rmok-chỉ dẫn: Krông Năng giáp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô, xã Cư Klong, huyện Ea Kar, tỉnh Đak Lak (nhưng không có rừng nằm trong khu vực quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Ba). Khi kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng, lực lượng chức năng thường xuất phát từ Krông Năng đến Sông Hinh rồi tới Ea Sô, cả đi và về 270 km. Trong khi đó ở phía Đông, Krông Năng giáp với xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Cách trụ sở UBND xã Krông Năng chừng 300 m về phía Nam theo đường Trường Sơn Đông đã là đất của Phú Yên. Mùa này, người Krông Năng đang thu hoạch mì. Từng chuyến xe chất mì lặc lè len lỏi trong các thôn buôn xuôi về hướng Ea Bá, Ea Lâm (huyện Sông Hinh) hay ngược ra thị trấn Phú Túc, Ia Rsươm (huyện Krông Pa) hoặc ra tới Ayun Pa.

Hồ Ia Mláh, huyện Krông Pa. Ảnh: ĐỨC MẠO
Hồ Ia Mláh, huyện Krông Pa. Ảnh: ĐỨC MẠO



Vị trí địa lý và địa hình mặc nhiên quy định tính chất quan hệ giữa xã Krông Năng với 2 xã Ea Lâm, Ea Bá, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Chủ tịch UBND xã Ea Lâm Trần Minh Khai vui vẻ cho biết: Từ khi xã Ea Lâm thành lập (năm 1993) đến nay, quan hệ giữa chính quyền và nhân dân 2 xã duy trì và phát triển rất tốt. Trước đây, Krông Năng không có điểm tiêu thụ nông sản thì người bên Ea Lâm sang thu mua tạo điều kiện tiêu thụ và vận chuyển nông sản thuận lợi. Cả người Krông Năng làm ăn, buôn bán bên Ea Lâm cũng được chính quyền tạo điều kiện. Hai bên tham gia kết nghĩa, có hoạt động gì cũng liên hệ, trao đổi, mời nhau tham dự, nhất là dịp Tết, lễ hội; ngày hội đại đoàn kết. Hai bên có quy chế phối hợp chặt chẽ, khối dân vận 2 xã hỗ trợ trao đổi thông tin, mô hình hay để học tập lẫn nhau. Hai bên cũng duy trì thường xuyên hoạt động giao lưu cồng chiêng, thể dục-thể thao. Công an 2 xã thì phối hợp phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm an toàn giao thông, an ninh trật tự nông thôn. “Thương mại, dịch vụ bên Ea Lâm phát triển và phong phú hơn. Thanh niên có thể làm ăn bên Krông Năng nhưng vui chơi giải trí thì qua Ea Lâm này”-Chủ tịch UBND xã Ea Lâm dí dỏm. Tôi lục tìm tài liệu đối chiếu: Krông Năng hiện có 27 hàng quán tạp hóa phân bố ở 4 thôn, buôn, 1 xe tải, 9 máy cày phục vụ sản xuất, con số quả là khiêm tốn.

Không thể bằng Ea Lâm, nhưng so với “ngày xưa”, xã vùng sâu này bây giờ phát triển, đổi thay đã nhiều. Bây giờ, Krông Năng đã có nhiều hộ khá, hộ giàu. Đó là già làng Ksor Lang gần 60 tuổi ở buôn Ia Sóa, thành viên Ban Công tác Mặt trận thôn, vừa giỏi làm ăn kinh tế, lại giỏi làm công tác dân vận. Đó là Trưởng thôn Ji, anh Ksor Vik 30 tuổi, kinh tế khá giả. Đó là gương sản xuất giỏi Ksor Gooch (buôn Ji) với gần 100 con bò; lúa, mì, đậu đều nhiều, thu nhập 200 triệu đồng/năm... Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, xã đã thực hiện 9/19 tiêu chí nông thôn mới; năm 2019 đăng ký hoàn thành thêm 4 tiêu chí và kế hoạch 610 hộ đăng ký gia đình văn hóa, 4 buôn đều là buôn văn hóa. Phương châm của xã là tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, chương trình trọng điểm quốc gia như chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, các dự án do xã làm chủ đầu tư... Hy vọng nỗ lực và quyết tâm của Krông Năng sớm đơm hoa kết trái thắng lợi.

...Không ôm đồm khi trong thoáng chốc mà có một cái nhìn đầy đủ, chân thực. Lại càng không thể đòi hỏi tương lai phát triển xa gần. Tôi mang suy nghĩ ấy bước lên chiếc thuyền bé tý của Thái sau lời đề nghị được chấp thuận: dạo một vòng ngắm sông nước đôi bờ Krông Năng cho đầu óc, tâm hồn thơi thả, vì mấy khi có dịp. Trời xanh, nước xanh, mây trắng, thuyền nhẹ nhàng trôi. Ngày xuân trở lại Krông Năng, thật nhẹ nhõm, khoan khoái trong lòng.

 THẤT SƠN