Trên dòng Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyến phà chầm chậm đưa chúng tôi lướt trên mặt nước đỏ nặng phù sa của dòng Pô Cô. Trôi trên dòng Pô Cô lịch sử, vang lên trong tâm trí chúng tôi là những giai điệu trầm hùng, tha thiết: “Hỡi Pô Cô ơi!/Dòng sông mênh mông/đôi bờ cây xanh biếc/nước chảy xiết sâu thẳm/qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết?/Anh lái đò tên gọi A Sanh”.
Lực lượng vận tải đặc biệt của Mặt trận Tây Nguyên
“Những ai đã từng đi B hồi đánh Mỹ hẳn chẳng thể nào quên được những đêm vượt sông, không chỉ có sông Pô Cô mà hàng trăm con sông lớn nhỏ vắt ngang dãy Trường Sơn hùng vĩ. Ở Trường Sơn cứ đi hai mươi mét là bắt gặp một khe núi. Hai trăm mét gặp một con suối. Hai ki lô mét gặp một dòng sông. Sông Pô Cô là một trong những con sông lớn có tên tuổi như sông Ba, sông Hinh, sông Côn, sông Đak Kroong, Đak Bla, Krông Ana…”-nhà văn Trung Trung Đỉnh đã “vẽ” nên bức tranh hùng vĩ, dày đặc sông suối của Trường Sơn Tây Nguyên chỉ bằng vài dòng như vậy. Pô Cô gắn liền với thời đánh Mỹ được nhiều người biết đến còn vì nó đã đi vào bài hát nổi tiếng “Người lái đò trên sông Pô Cô” của nhạc sĩ Cầm Phong (lời thơ Mai Trang). Từ bài hát này, cái tên A Sanh đã trở thành một biểu tượng về những người lái đò anh hùng.
Một nhánh sông Pô Cô nhìn từ bến đò làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: H.N
Một nhánh sông Pô Cô nhìn từ bến đò làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: H.N
Ông Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3-cung cấp những thông tin thú vị về tuyến vận tải đường sông đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ: Năm 1964, Bộ Chính trị quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên (mật danh B3). Đây cũng là chiến trường có địa hình rừng núi, sông ngòi dày đặc, đường sá cực kỳ khó khăn, hiểm trở. Việc đảm bảo vũ khí, đạn dược cho các lực lượng vũ trang là một thách thức lớn đối với các cấp lãnh đạo, chỉ huy. Từ cuối năm 1964 đến 1966, một lực lượng vận tải đường sông đã hình thành, trong đó có 2 đại đội vận tải chỉ toàn người dân tộc thiểu số. Đây cũng là những tổ vận tải có năng suất cao, dũng cảm, tinh nhuệ.
Lực lượng vận tải chuyên nghiệp này có vai trò đặc biệt quan trọng trong vận chuyển người và vũ khí, lương thực, giảm gánh nặng cho bộ đội khi tham gia chiến đấu, nhất là nhận chi viện của miền Bắc cho miền Nam ruột thịt. Trong một số hồi ký, tư liệu lịch sử, hình ảnh những người lái đò ở chiến trường Tây Nguyên cũng được nhắc đến một cách sống động. Như trong “Tây Nguyên ngày ấy” (Nhà Xuất bản Lao động 2002) của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Cao Đài-nguyên Viện trưởng Viện Quân y 211-có đoạn: “Qua sông Pô Cô trên một con thuyền độc mộc nhỏ chòng chành. Qua sông sẽ phải qua đường quốc lộ 19 từ Pleiku đi Campuchia, một con đường bị địch kiểm soát gắt gao. Anh lái đò là một bộ đội người dân tộc khắc khổ. Qua đò phải bỏ gậy, có lẽ sợ gậy chọc thủng sàn đò và vì phải qua một vùng địch thường qua lại, có thể bị lộ do các vết gậy để lại trên đường”. 
Chuyện kể của những “A Sanh”
45 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cựu binh già Lê Xuân Miện (hiện sống tại nhà số 21, phố Nam Cao, TP. Thanh Hóa) mới hoàn thành được tâm nguyện quay trở lại chiến trường Gia Lai, nơi ông từng là một người lái đò trong tiểu đội vận tải. Rưng rưng trong ngày trở về, ông kể: “Ngày ấy, các bến đò thường nằm cách nhau trong khu vực làng Jrai và thay đổi liên tục để đảm bảo bí mật. Tôi hoạt động ở đường dây giao liên T2C07 thuộc Đại đội 28, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 29B3. Lúc bấy giờ, Puih San (hay còn gọi là A Sanh, nguyên mẫu trong bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô”) nổi tiếng bởi sự gan góc, kỷ lục đưa các chuyến thuyền vượt sông an toàn mỗi đêm mà khó có người chèo thuyền nào làm được”-ông Miện nói.
Người cựu binh này kể thêm: “Tôi nhớ như in cảnh bộ đội phải qua sông Pô Cô trên những chiếc cầu treo tạm bợ hoặc đu dây bện từ cây rừng. Cách di chuyển này không hiệu quả, lại nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn tăng cường lực lượng, vũ khí vào Nam chuẩn bị cho trận chiến lớn cuối cùng. Lực lượng vũ trang nếu không có những A Sanh cùng những chiếc thuyền độc mộc như vậy sẽ rất cam go trong việc đưa người, vũ khí vượt qua tuyến hành lang quan trọng, ác liệt này, nhất là với địa hình ghềnh thác trúc trắc như ở Tây Nguyên”.
Chúng tôi có dịp gặp gỡ một nhân vật đặc biệt khác, đó là cựu binh Rơ Chăm Klớt (Lim)-người cùng một tổ thuyền với Puih San. “Mỗi chiếc thuyền độc mộc có 2 người chèo, nó là “thủ trưởng” của mình. Nhớ có lần đưa bộ đội vượt sông vào giữa mùa mưa, nước sông chảy xiết, thuyền va phải một gốc cây nên chòng chành suýt lật. Bộ đội sợ quá nhốn nháo hết cả lên, có người còn định lao xuống sông giữa đêm tối. Nó động viên mọi người yên tâm không được nên quát ầm lên. Puih San cũng từng bị “giáng chức” làm phó cho mình, nhưng nhất nhất mình đều nghe theo chỉ đạo của nó, vì Puih San là người rất giỏi và quyết đoán”-ông Klớt bồi hồi nhớ lại.
Hình ảnh Puih San như một chỉ huy trưởng trên những chuyến đò qua sông hiện lên sống động qua ký ức của các cựu binh. Với những đóng góp ấy, ngày 22-8-1998, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 424/KT/CTN (chứ không phải năm 1995 như một số sách lịch sử từng viết). Nhưng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy, không chỉ có một Puih San anh hùng mà có cả một tập thể những A Sanh như các cựu binh Lê Xuân Miện, Rơ Chăm Klớt, Rơ Lan Kai, Rơ Lan Pêng...
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống
Chuyến phà cập bến ở bến đò làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai)-một trong những bến đò còn lại từ thời chiến tranh, cũng chính là quê hương của Puih San. Cựu binh Lê Xuân Miện đứng lặng trên bờ sông nhìn theo bóng dáng một con thuyền trôi xuôi cho đến khi khuất hẳn sau rừng cây. Hẳn ông đã chờ đợi rất lâu để có cơ hội lặng ngắm hình ảnh chan chứa thanh bình trên sông chứ không phải những chuyến đò sinh tử mà ông phải sống chết để bảo vệ sinh mạng đồng đội năm xưa.
Cựu binh Lê Xuân Miện (thứ 2 từ phải sang) trong ngày trở lại chiến trường xưa. Ảnh: H.N
Cựu binh Lê Xuân Miện (thứ 2 từ phải sang) trong ngày trở lại chiến trường xưa. Ảnh: H.N

“Để đục những chiếc thuyền độc mộc chở được nhiều bộ đội hơn, bà con phải vào sâu trong rừng chặt hạ những cây gỗ có kích thước lớn. Khi lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh ở Mặt trận Tây Nguyên, để đủ phương tiện vận chuyển, người dân còn mang chiêng quý sang Campuchia đổi lấy thuyền độc mộc. Một bộ chiêng đổi được 1 chiếc thuyền, cứ thế ngược về sông Pô Cô. Ngày ấy, chiêng ché, những chiếc trống da bò dù quý cỡ nào người dân cũng sẵn sàng mang đổi lấy thuyền về, tất cả vì cách mạng”-cựu binh Rơ Chăm Klớt kể.

Những ký ức anh hùng trên dòng Pô Cô hùng vĩ và thơ mộng dần mai một trong dòng chảy thời gian. Chính vì vậy, thông tin huyện Ia Grai lập hồ sơ di tích “Bến đò A Sanh” trình UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh khiến cựu binh Lê Xuân Miện và đồng đội cảm thấy ấm lòng. Nơi đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ giúp các thế hệ hiểu được ý nghĩa và giá trị lịch sử của không chỉ một bến đò trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Sau khi lập hồ sơ di tích bến đò A Sanh, huyện Ia Grai đã tổ chức hội thảo, khảo sát thực địa tại bến đò làng Nú với sự tham gia của các nhân chứng lịch sử để bổ sung hoàn thiện, đồng thời lựa chọn địa điểm hợp lý để xây dựng khu di tích.
Hương thơm từ những vườn điều dọc sông Pô Cô hãy còn vương vấn khi chúng tôi trở về. Mùa xuân đã đến tự bao giờ. Cảm giác mùa xuân đất nước còn thơm hương cả chiến công thầm lặng của những người lái đò và nhân dân một vùng biên cương Tổ quốc.
HOÀNG NGỌC