(GLO)- Thay vì tăng giá 1 lần gây “sốc” như hồi cuối tháng 3-2013 (tăng 1.400 đồng/lít), lần này giá xăng dầu lại theo kiểu “câu giờ”, tăng liên tiếp 3 lần chỉ trong vòng hơn 1 tháng nhưng “chốt” lại thì tổng cộng cả 3 lần tăng đã đẩy giá xăng dầu lên cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó dù mang tiếng là tăng lương nhưng phải đến cuối tháng 7-2013 công chức mới được thực nhận mà số lượng công chức, viên chức/tổng số dân chỉ là một con số nhỏ.
Ảnh: Lê Lan |
Cụ thể, tại Gia Lai (tính theo giá khu vực II) giá xăng 95 tăng lên 25.570 đồng/lít (giá cũ 25.100 đồng/lít); xăng 92 tăng 25.060 đồng/lít (24.590 đồng/lít). Tương tự giá dầu diesel và dầu hỏa cũng tăng lên đáng kể, trong đó, dầu diesel 0,05S có giá là 22.750 đồng/lít; dầu diesel 0,25S là 22.700 đồng/tháng và dầu hỏa là 22.460 đồng/lít. Đây được xem là mức giá xăng dầu đắt nhất tính đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, việc tăng giá lần này (ngày 17-7-2013) cũng không quá gây “sốc” đối với người tiêu dùng, nhiều người còn cho rằng khi đọc tin “Doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục kêu lỗ” thì biết chắc vài hôm nữa xăng dầu thế nào cũng tăng. Cầm hóa đơn thanh toán tiền xăng trên tay, ông Lê Thành Vũ (công tác tại Công ty TNHH Việt Phương, Gia Lai) chia sẻ: Công ty có tới mấy chiếc xe ô tô, giá xăng dầu tăng đương nhiên chi phí vận chuyển của công ty cũng bị đội lên, mới hôm trước đổ đầy bình có hơn 1 triệu đồng bây giờ đã trên 1,4 triệu đồng. Nhưng việc kinh doanh đâu có dễ, dù xăng có tăng lên vài chục ngàn đồng cũng phải mua mà chạy nhưng hàng công ty bán ra vẫn không dám tăng vì công ty tư nhân đâu phải muốn tăng giá bán là tăng được.
Dù sao, đối với các đơn vị kinh doanh, sản xuất còn có thể cân đối chi phí nhưng đối với người tiêu dùng đơn thuần thì việc tăng giá xăng dầu quả là một bài toán khó đối với chi phí sinh hoạt, anh Sơn (công tác tại Sở Tài chính Gia Lai) cho biết: Xăng tăng kiểu này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt vì cước phí đi lại tăng, hàng hóa cũng sẽ tăng theo, tiêu dùng trong gia đình mỗi thứ tăng một ít, cộng tất cả lại hẳn là con số không nhỏ, so với mức tăng lương cơ sở (tăng thêm 100.000 đồng/tháng) thì “chả thấm tháp gì” mà lương cũng phải đến cuối tháng mới được nhận.
Rõ ràng việc tăng giá xăng dầu đang là một áp lực lớn đè lên gánh nặng sinh hoạt phí của người dân, bởi đây là mặt hàng khá “nhạy cảm” rất dễ là “động cơ” khiến các mặt hàng khác tăng giá kiểu “té nước theo mưa”. Tại tỉnh ta, theo một báo cáo mới đây của Tỉnh ủy Gia Lai thì tính đến đầu năm 2013, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh là 34.348 người (trong đó, cấp tỉnh có 9.647 người; cấp huyện có 20.281 người, cấp xã có 4.420 người). Nếu đem so sánh con số này với 1,3 triệu người-tổng số dân toàn tỉnh thì tỷ lệ người được hưởng mức lương mới là quá nhỏ (khoảng 2,6%). Như vậy, đa phần người tiêu dùng là công nhân, nông dân, người lao động... phải chịu áp lực từ việc xăng dầu tăng giá mà không được bù đắp từ việc tăng lương. Hơn nữa, việc tăng giá xăng dầu còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của người nông dân (Gia Lai là địa phương có tỷ lệ dân tham gia sản xuất nông nghiệp cao), bởi với người trồng tiêu, cà phê thì sử dụng dầu trong bơm tưới là không thể thiếu, chưa kể tình hình nông sản hiện nay đang rớt giá và chuyện xăng dầu tăng sẽ kéo theo sự gia tăng chi phí đầu tư trong sản xuất vì phân bón, cước vận chuyển cũng sẽ tăng theo...
Xăng dầu tăng giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân, thế nhưng về phía các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu khi trao đổi về vấn đề tăng giá lại một mực cho rằng: Việc tăng giá là do quyết định của Bộ Tài chính, Bộ Công thương còn Tập đoàn và công ty chỉ là thực hiện theo, thậm chí đại diện một công ty xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh còn cho rằng với mức giá trên công ty cũng vẫn còn chịu lỗ cùng Tập đoàn.
Lê Lan