(GLO)- “Vì sao nông dân chưa giàu?” là câu hỏi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Hội nghị đối thoại với nông dân có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới” diễn ra sáng 9-4 tại Hải Dương. Những băn khoăn, thắc mắc của nông dân cả nước gửi đến đã được Thủ tướng và đại diện các bộ, ngành trả lời với tinh thần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đây có thể xem là cuộc gặp gỡ quy mô nhất, cởi mở nhất của nông dân cả nước với người đứng đầu Chính phủ mang theo bao kỳ vọng về một hướng đi bền vững cho nông dân giàu lên, cho nông nghiệp bứt phá, cho bộ mặt nông thôn đổi mới một cách đúng nghĩa. Vì vậy, tại sao nông dân chưa giàu lên? tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn (chiếm trên 43% lao động) nhưng chỉ đóng góp 18% cho GDP? đâu là nguyên nhân của tình trạng này?... không còn là câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ nữa, mà là yêu cầu của đất nước, buộc mọi người phải trả lời. Dẫu biết rằng để trả lời câu hỏi ấy là điều không mấy dễ dàng!
Ảnh internet |
Có thể nói, chưa bao giờ nông nghiệp nước ta có được thành quả lớn như hiện tại khi kim ngạch xuất khẩu của ngành nông-lâm-thủy sản trong năm 2017 đạt hơn 36 tỷ USD. Không vì một số diện tích su hào, củ cải, dưa hấu không tiêu thụ được phải nhổ bỏ do giá thấp, mía phải đốt đi do không có nhà máy thu mua mà nói rằng ngành nông nghiệp đang bế tắc. Tuy nhiên, là một quốc gia nông nghiệp, nông dân cần cù, chịu khó và không kém phần sáng tạo, lẽ ra, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải phát triển mạnh hơn nữa, đóng góp xứng đáng hơn nữa cho nền kinh tế, nếu chúng ta có được hướng đi vững chắc hơn.
Với mong muốn trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về Hải Dương trước 1 ngày. Ông đi thăm một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến nông nghiệp. Ông muốn tìm câu trả lời ngay trên những thửa ruộng cùng với nông dân. Ông vui khi được tận mắt nhìn thấy những chủ doanh nghiệp trưởng thành từ nông dân, luôn trăn trở với bao nỗi khó khăn, nhọc nhằn của người dân quê chân chất, thấy họ thành công khi biết chọn cho mình một hướng kinh doanh gắn với những sản phẩm đặc trưng của đồng đất quê nhà như: su hào, bắp cải, cà chua, cà rốt... Chính những doanh nghiệp như vậy đang góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân bao đời nay vốn quen tự cung, tự cấp, sản phẩm làm ra chỉ quẩn quanh ở chợ làng, họ đã biến nhiều nông dân trở thành công nhân nông nghiệp với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng. “Đó là những mô hình quan trọng, tạo động lực cho nông thôn phát triển. Mà trong đó, con người là yếu tố quan trọng nhất”-Thủ tướng đúc kết.
Cuộc đối thoại với nông dân đã vỡ ra nhiều điều. Muốn sản xuất lớn, nông sản phải có đầu ra ổn định. Muốn vậy, phải tích cực tìm thị trường, phải sản xuất ra cái mà thị trường cần chứ không phải cái mình có. Đã có chính sách tín dụng cho nông nghiệp theo hướng công nghệ và 100.000 tỷ đồng đã được cam kết. Nhưng để tiền chảy vào nông nghiệp xem ra còn nhiều việc phải làm. Ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp nêu ra tại cuộc đối thoại sẽ là những gợi ý để Chính phủ và các bộ, ngành xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện mới, để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu cũng rất nỗ lực tìm kiếm thị trường cho nông sản Việt Nam. Không lý gì nông dân lại không thay đổi, không sản xuất theo tín hiệu của thị trường để rau củ quả Việt Nam đi vào siêu thị, đi ra thế giới với giá trị cao hơn. Một nền nông nghiệp hiện đại không thể sản xuất cầu may, sống nhờ “lòng thương hại” của cộng đồng bằng các chiến dịch “giải cứu”, mà phải biết cách làm ra sản phẩm an toàn, chất lượng, bán giá cao mà cộng đồng chấp nhận. Trước khi gieo hạt phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu và bán cho ai.
Chính phủ và các bộ, ngành luôn sẵn sàng đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân. Chủ trương xây dựng 1.500 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đang thực hiện sẽ là hướng mở cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.
Nguyễn Vân