Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến cáo các nước trên thế giới cần nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Trong báo cáo công bố ngày 18-7, UNICEF cho biết tỷ lệ tử vong do AIDS trong đối tượng thanh thiếu niên đang ở mức báo động bất chấp những tiến bộ của thế giới trong việc ngăn chặn đại dịch này trong suốt 15 năm qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn: thehimalayantimes.com) |
AIDS vẫn là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 2 đối với trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-19 tuổi trên toàn cầu và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở châu Phi. Kể từ năm 2000, tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trên thế giới đã giảm gần 70% nhờ có sự phối hợp hành động để ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con ở những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm
HIV/AIDS cao, trong đó có các nước ở miền Nam sa mạc Sahara của châu Phi. Khoảng 1,6 triệu trẻ em đã không bị lây nhiễm căn bệnh chết người này từ mẹ, trong khi việc điều trị thuốc kháng HIV đã giúp cứu sống 8,8 triệu người thuộc mọi lứa tuổi trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng theo UNICEF, tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV/AIDS ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Chỉ tính riêng trong năm 2015, trong bình cứ mỗi giờ trên thế giới lại có 29 trường hợp mới bị nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi trên.
Khuyến cáo của UNICEF được đưa ra vào thời điểm Hội nghị quốc tế phòng chống AIDS lần thứ 21 đang diễn ra tại thành phố Durban của Nam Phi với cảnh báo thành quả của thế giới trong cuộc chiến chống AIDS đang bị đe dọa.
Trong khoảng 36,7 triệu người trên thế giới đang chung sống với HIV/AIDS, chủ yếu ở khu vực cận Sahara, chỉ có 17 triệu người đang được điều trị.
Báo cáo công bố ngày 12-7 vừa qua của UNAIDS, số người trưởng thành nhiễm HIV/AIDS đã tăng cao trong 5 năm trở lại đây. Nếu trong những năm 90 của thế kỷ 20, mỗi năm có khoảng 3 triệu người trưởng thành nhiễm HIV, thì những nỗ lực phòng ngừa căn bệnh thế kỷ này đã góp phần làm giảm đáng kể số người nhiễm mới trong những năm đầu của thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, số người bị phát hiện dương tính với HIV lại không giảm khi có khoảng 1,9 triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Thậm chí, một số khu vực còn ghi nhận số trường hợp nhiễm mới tăng cao. Tại Trung Á và Đông Âu, trong giai đoạn 2010-2015, mỗi năm số ca nhiễm mới tăng 57%. Khu vực Caribe, sau 9 năm liền ghi nhận số người nhiễm HIV giảm, thì 5 năm qua con số này lại tăng 9%/năm. Trong khi đó, số người nhiễm virus nguy hiểm này tại Trung Đông và khu vực Mỹ Latinh tăng lần lượt là 4% và 2% mỗi năm.
Theo TTXVN