(GLO)- Từ hai bàn tay trắng, gia đình chị Quang Thị Thủy (thôn 2, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) đã trở thành triệu phú sau 10 tháng triển khai mô hình nuôi vịt trời thương phẩm trên diện tích 3 ha đất mượn.
Vợ chồng chị Thủy quê ở Nghệ An vào huyện Đak Đoa lập nghiệp từ năm 2010. Sau gần 6 năm làm thuê, cuộc sống của gia đình chị Thủy vẫn luôn ở trong tình trạng thiếu thốn.
Chị Thủy dẫn cán bộ Hội Nông dân huyện tham quan mô hình vịt trời của gia đình. Ảnh: H.T |
Tháng 7-2015, sau chuyến thăm gia đình người anh họ tại tỉnh Hưng Yên, nhận thấy nhiều hộ ở đây chăn nuôi vịt trời cho hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng chị Thủy đã bàn nhau mượn 3 ha đất để trống của người bác họ và mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi vịt trời. Để tránh rủi ro, ban đầu, vợ chồng chị Thủy chỉ nuôi thử 500 con vịt thương phẩm. Sau khi nhận thấy nuôi vịt trời ít rủi ro, vợ chồng chị Thủy đã mua thêm vịt giống về nuôi với số lượng lớn. “Nuôi vịt trời ít rủi ro vì chúng ít dịch bệnh và nhanh lớn, sau 2,5-3 tháng đã có thể xuất bán với trọng lượng 0,8-1 kg/con. Hơn nữa, tiền mua thức ăn cho mỗi con vịt chỉ trên dưới 50.000 đồng/con. Với giá bán mỗi con 150.000-160.000 đồng như hiện nay thì sau khi trừ chi phí, lãi 70.000-75.000 đồng/con”-chị Thủy cho biết.
Cũng theo chị Thủy, sau 10 tháng chăn nuôi, số lượng đàn vịt trời của gia đình chị đã tăng lên 7.200 con. Mới đây, gia đình chị xuất bán 7.000 con với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi gần 400 triệu đồng. “Hiện nay, đầu ra cho đàn vịt trời vẫn còn khá rộng mở, ngoài các nhà hàng tại huyện Đak Đoa, nhiều nhà hàng ở huyện Chư Sê và TP. Pleiku cũng có nhu cầu mua vịt trời nên gia đình tôi không lo về đầu ra cho đàn vịt. Do vậy, hiện tại, gia đình tôi đang đào thêm ao để vịt được nuôi đảm bảo khỏe mạnh. Cùng với đó, mua thêm lò ấp trứng để nuôi vịt giống với số lượng lớn nhằm cho hiệu quả kinh tế cao hơn”-chị Thủy cho biết thêm.
Nói về mô hình nuôi vịt trời của gia đình chị Thủy, ông Y Djít-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Đoa cho biết: Đây là một trong những mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Đak Đoa. Vì vậy, để nhân rộng mô hình, Hội Nông dân huyện đang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình “Chăn nuôi vịt trời thương phẩm tại xã Glar” với sự tham gia của 8 hộ. Trong đó, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 100 con giống vịt trời, hỗ trợ thức ăn ban đầu, tập huấn hướng dẫn cách làm chuồng trại và phòng-chống dịch bệnh cho đàn vịt trời từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện. Nếu mô hình này hiệu quả sẽ mở ra một hướng chăn nuôi mới và hứa hẹn nhiều triển vọng cho nông dân trên địa bàn huyện Đak Đoa trong thời gian tới.
Hồng Thương