Trí tuệ nhân tạo thúc đẩy làn sóng mới trong lĩnh vực thời trang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ tháng Tám, thương hiệu thời trang Stitch Fix (Anh) đã sử dụng AI để tạo hồ sơ phong cách cá nhân, cho phép các thuật toán đề xuất những trang phục phù hợp với sở thích cá nhân từng người.
AI đã lấn sân sang lĩnh vực thời trang. Nguồn: Apparel Resources

AI đã lấn sân sang lĩnh vực thời trang. Nguồn: Apparel Resources

Không dừng lại trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế, “làn sóng” trí tuệ nhân tạo (AI) đang quét qua mọi ngóc ngách của đời sống con người.

Từ giải trí, y tế, giáo dục và giờ là thời trang - một lĩnh vực mà đa phần sẽ thấy ít sự liên kết với những công nghệ máy tính.

Tại Tuần lễ Thời trang New York và Paris cuối tháng Chín vừa qua, những trang phục dựa trên hình ảnh do AI tạo sinh tổng hợp của nhà thiết kế Hillary Taymour hay Acne Studio đã thu hút nhiều sự chú ý và trở thành điểm nổi bật của sự kiện năm nay.

Không dừng tại đó, New York sẽ tổ chức Tuần lễ thời trang AI lần thứ hai vào cuối tháng 11 này sau sự thành công của sự kiện đầu tiên hồi tháng Tư.

Ngành thời trang không thể ngồi yên trước cơn sốt AI. Đặc biệt khi một số ước tính dự báo AI có thể giúp tăng lợi nhuận cho lĩnh vực may mặc, thời trang và hàng xa xỉ toàn cầu thêm từ 150-275 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới. Đồng thời, AI cũng hứa hẹn sẽ mang tới những cơ hội và khả năng mới cho ngành này.

Đề xuất phong cách mang tính cá nhân

Lĩnh vực bán lẻ hiện đại luôn ưu tiên xu hướng cá nhân hóa cho người tiêu dùng. Theo báo cáo năm 2023 của công ty nghiên cứu thị trường Segment, 56% người tiêu dùng có khả năng trở thành khách hàng thường xuyên của một thương hiệu có trải nghiệm được cá nhân hóa.

Báo cáo nhấn mạnh rằng lòng trung thành của khách hàng phụ thuộc vào trải nghiệm đối với thương hiệu. Và điều này hoàn toàn có thể được cải thiện bằng các công cụ AI.

Từ tháng Tám, thương hiệu thời trang Stitch Fix của Anh đã sử dụng AI để tạo hồ sơ phong cách cá nhân cho từng khách hàng. Công cụ của Stitch Fix thu thập 90 điểm dữ liệu cụ thể thông qua khảo sát chi tiết.

Chúng bao gồm kiểu dáng, cỡ váy, chiều cao và vị trí địa lý của khách hàng, cho phép các thuật toán đề xuất những trang phục phù hợp với sở thích cá nhân từng người.

Công ty thời trang Styleriser của Đức cũng tận dụng AI để cung cấp giải pháp tư vấn hình ảnh cá nhân hóa cho từng khách hàng. Công cụ của Styleriser sẽ đóng vai trò trợ lý mua sắm kỹ thuật, giúp đề xuất các màu sắc lý tưởng dựa trên tông màu da của từng khách hàng.

Đảm bảo khả năng sản xuất bền vững

Ngành thời trang phải vật lộn với lượng rác thải dệt may khổng lồ lên tới 186 tỷ pound (khoảng 84 triệu tấn) mỗi năm. 87% tổng số vật liệu may mặc đã qua sử dụng sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc lò đốt rác.

Các công nghệ, đặc biệt là AI, rất cần thiết trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng và hạn chế tình trạng lãng phí này.

Hiện một số công ty như H&M và Zara đang tích hợp AI với công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (RFID) và thẻ quần áo gắn vi mạch.

Điều này giúp các công ty đưa ra những dự báo hợp lý hơn, theo dõi sát tình trạng hàng tồn kho và giảm thiểu lãng phí.

Thiết kế và sáng tạo dựa trên AI

Cho dù còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền và đạo ý tưởng, các nhà thiết kế hoàn toàn có thể dùng các mô hình tạo sinh hình ảnh hoặc văn bản như Dall-E hay Midjourney để thiết kế dựa trên phong cách cụ thể của họ.

Năm ngoái, thương hiệu Mango đã giới thiệu Inspire - một nền tảng AI chuyên về thiết kế các bản in hoa văn và vải. Kết quả là hơn 20 sản phẩm may mặc được đồng sáng tạo với AI của công ty đã ra đời.

Mango cũng giới thiệu Lisa, một mô hình AI đàm thoại hỗ trợ khách hàng. Tính từ năm 2018 tới nay, Mango đã phát triển khoảng 15 mô hình AI cho các nhiệm vụ như định giá và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Thương hiệu đồ thể thao Nike cũng sử dụng AI trong việc thiết kế đôi giày ISPA Universal.

Nike đã áp dụng thuật toán cho ba mẫu giày trước đó và tạo ra một loại giày thân thiện với môi trường, được làm từ các vật liệu như bọt Bio-EVA có nguồn gốc từ mía.

Dự báo các xu hướng tương lai

Các nhà dự báo thời trang trước đây thường dựa vào các phương pháp định tính, quan sát các buổi trình diễn trên sàn diễn, thời trang đường phố và văn hóa đại chúng để dự đoán xu hướng.

Ngày nay, các công cụ AI có thể phân tích những kho dữ liệu đa dạng, như hình ảnh các sàn diễn, dữ liệu tìm kiếm và bán hàng cũng như các bài đăng trên mạng xã hội nhằm xác định xu hướng nhanh và chính xác hơn.

Heuritech giúp các thương hiệu phân tích các xu hướng thời trang mới. Ảnh: Bloomberg

Heuritech giúp các thương hiệu phân tích các xu hướng thời trang mới. Ảnh: Bloomberg

Một ví dụ là nền tảng AI đặt trụ sở tại Paris có tên Heuritech. Công ty đã phân tích hàng triệu hình ảnh được đăng tải hàng ngày trên mạng xã hội để phân tích các xu hướng thời trang mới.

Từ đó, Heuritech hỗ trợ các thương hiệu thiết kế những bộ sưu tập phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Trendalytics có trụ sở tại New York cũng tận dụng AI để thu thập thông tin chuyên sâu về bán lẻ từ các mạng xã hội và trang thống kê xu hướng của Google.

Công cụ hỗ trợ các nhà bán lẻ đánh giá mức độ phổ biến của mỗi xu hướng thời trang cùng các giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm, từ đó hỗ trợ tối đa hóa doanh số bán hàng.

Nâng cao trải nghiệm “thử đồ trực tuyến”

Theo một khảo sát gần đây của Google, 42% người mua hàng trực tuyến cảm thấy bị bỏ qua khi họ không thấy những hình thể tương tự mình trong các ảnh người mẫu minh họa sản phẩm.

59% người tham gia khảo sát cũng cho biết họ thất vọng khi các mặt hàng mua về không như mong đợi.

AI có thể cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến bằng cách giải quyết các vấn đề về xác định kích thước cho khách hàng.

Nike đã dùng ứng dụng tích hợp AI để đề xuất cỡ giày cho người mua bằng cách quét bàn chân của họ thông qua camera trên điện thoại thông minh.

Google cũng đã triển khai tính năng thử trang phục ảo mới nhất được hỗ trợ bởi AI dành cho mảng Google Shopping.

Với tính năng này, người dùng có thể lựa chọn một trong hơn 40 người mẫu với hình dạng và sắc da khác nhau để minh họa cho sản phẩm.

Tương tự, công cụ AI của Walmart có tên "Be Your Own Model" cho phép người mua hàng thử quần áo ảo bằng cách tải ảnh của chính họ lên thay vì dựa vào các người mẫu có sẵn.

Những sự kiện gần đây đã cho thấy tiềm năng không thể phủ nhận của AI trong ngành công nghiệp thời trang. Vai trò và quan hệ giữa AI và thời trang chắc chắn sẽ không ngừng phát triển.

Đây không chỉ là câu chuyên về phong cách may mặc thời thượng, mà còn là xác định tương lai của thời trang tương lai.

Có thể bạn quan tâm