Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức: Những kết quả quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 6 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao; thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách chính sách tiền lương; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Hiệu quả bước đầu

Tính đến cuối tháng 6-2021, toàn tỉnh có 30.984 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và cấp huyện, giảm 3.309 người so với cuối tháng 4-2015. Trong đó, các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương có 1.430 người, giảm 179 người, tỷ lệ giảm 11,25%; biên chế các cơ quan nhà nước có 2.694 người, giảm 358 người, tỷ lệ giảm 11,25%; tổng số viên chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 26.860 người, giảm 2.772 người, tỷ lệ giảm 9,07%. Các cơ quan, đơn vị đã chú trọng giảm cán bộ quản lý và nhân viên hỗ trợ phục vụ dôi dư do sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại việc làm.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, làng, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính tại huyện Chư Păh. Ảnh: Mộc Trà
Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, làng, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính tại huyện Chư Păh. Ảnh: Mộc Trà


Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố được cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đảm bảo theo đúng quy định của Trung ương. Đến giữa năm 2021, tổng số cán bộ, công chức cấp xã toàn tỉnh có 4.318 người, giảm 477 người so với cuối tháng 4-2015. Trong đó, số cán bộ cấp xã có 2.204 người, giảm 121 người, tỷ lệ giảm 5,2%; số công chức cấp xã có 2.114 người, giảm 256 người, tỷ lệ giảm 10,8%. Số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có 2.788 người, giảm 1.112 người, tỷ lệ giảm 28,51%. Số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có 4.728 người, giảm 14.046 người, tỷ lệ giảm 74,82%. Các địa phương đã chủ động bố trí kiêm nhiệm một số chức danh người hoạt động không chuyên trách trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Qua đó, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã; tập trung đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ ở cấp xã và thôn, tổ dân phố.

Việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được thực hiện đồng bộ với sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế. Theo đó, khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị sẽ đồng thời tiến hành rà soát, quy định lại số lượng cấp phó tối đa phù hợp với quy mô biên chế, đảm bảo nguyên tắc tổng số lãnh đạo cấp phó các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và tổng số cấp phó cơ quan MTTQ và đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh đều không quá 15 người; cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không quá 3 người; tổng số cấp phó từng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 2 người. Đồng thời, cơ cấu lại lao động gián tiếp có tỷ lệ dưới 50% tổng biên chế giao. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được sắp xếp, bố trí lại theo đúng quy định, cơ bản không còn tình trạng dôi dư cấp phó. Số lượng cấp phó bình quân/đơn vị sự nghiệp đảm bảo không quá 2 người. Một số trường học cấp huyện sau khi sáp nhập cũng đang được sắp xếp, bố trí lại số cấp phó dôi dư, không còn tình trạng số lượng cấp phó vượt quy định.

Việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế được thực hiện thường xuyên, có tính ổn định, đảm bảo đúng quy định của Trung ương, của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được cơ cấu lại theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm; từng bước được trẻ hóa, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản về trình độ các mặt; cơ bản bảo đảm hợp lý cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Các đơn vị, địa phương cũng đã sàng lọc và tinh giản số cán bộ, công chức, viên chức không đạt chuẩn hoặc chuyên môn không phù hợp, không hoàn thành nhiệm vụ, sức khỏe không đảm bảo và thôi giữ chức danh lãnh đạo do sắp xếp bộ máy.

Cùng với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh cũng luôn quan tâm rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, xây dựng các phương án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tiến hành bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành đã tích cực, chủ động tạo nguồn, tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là nguồn cán bộ người dân tộc tại chỗ (Jrai, Bahnar) từng bước phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Công tác tuyển dụng công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đã rà soát, đăng ký, báo cáo nhu cầu tuyển dụng theo vị trí việc làm về Ban Tổ chức Tỉnh ủy (đối với khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội) và Sở Nội vụ (đối với khối hành chính nhà nước) để tổng hợp trình Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thi tuyển theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch và không xảy ra tình trạng tiêu cực. Từ năm 2015 đến giữa năm 2021, qua các kỳ thi tuyển có 2.390 thí sinh trúng tuyển; số công chức, viên chức được tiếp nhận thông qua hình thức xét tuyển là 128 người. Nhìn chung, công chức, viên chức được tuyển dụng, bố trí phù hợp với trình độ chuyên môn đã đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại địa phương.

Tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua vẫn còn hạn chế, bất cập. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, chỉ đạo rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có lúc còn thiếu chủ động, chưa thật sự quyết liệt. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương chung. Một số cơ quan, đơn vị có khối lượng công việc nhiều nhưng biên chế được giao còn hạn chế nên khó khăn trong việc thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình chung. Việc tinh giản biên chế vẫn chưa thực sự sàng lọc, tinh giản hết những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ. Trình độ, năng lực và cơ cấu đội ngũ cán bộ có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa phát huy vai trò, trách nhiệm, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, thiết nghĩ cần triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện đồng bộ các biện pháp để thay thế những người không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng biên chế công chức, viên chức. Tăng cường kiêm nhiệm đối với một số chức danh, nhất là kiêm nhiệm đối với các chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, làng, tổ dân phố. Vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối để bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và Nhà nước. Cần có kiến nghị với Trung ương nghiên cứu đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Kịp thời giải quyết chế độ, chính sách, làm tốt công tác tư tưởng đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

 

TỐNG THỚI MỐC
 

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

(GLO)- Đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế. Tổng biên chế công chức, biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.