Tìm hướng tăng giá trị cho hàng Việt xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt nâng cao năng lực thiết kế - một trong những khâu yếu nhất của DN nội, trong tiến trình gia tăng giá trị cho sản phẩm “made in Vietnam”. 
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Sản xuất bị động vì thiếu thiết kế
Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, có đến 98% DN Việt ở quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Do đó, hầu hết các DN đều không dành kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mà sử dụng thiết kế có sẵn trên thị trường để thực hiện sản phẩm của mình, hoặc nhận gia công những sản phẩm thiết kế từ phía đối tác nước ngoài. 
Đại diện Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) thừa nhận, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam còn thiếu tính sáng tạo, ít sản phẩm mới, không đa dạng, lạc hậu so với xu hướng của thế giới, dẫn đến giá trị đơn hàng ngày càng thấp. Thậm chí, tại một số thị trường truyền thống, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm. 
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chỉ tăng nhẹ 1% so với năm trước. Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu là thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng mây tre cói của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch; nhưng so với năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm hơn 10%. Xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ cũng đang giảm mạnh - trên 80% so với năm 2016. Duy nhất tại thị trường châu Âu, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có tăng, nhưng chưa nhiều. 
Đồng thuận với quan điểm trên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết tình trạng DN sử dụng thiết kế có sẵn trên thị trường diễn ra rất phổ biến trong ngành dệt may. Thậm chí, ngay cả những DN có quy mô sản xuất lớn cũng sử dụng thiết kế có sẵn, hoặc gia công lại thiết kế do đối tác nhập khẩu nước ngoài yêu cầu. Do vậy, xét trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may thì lớn, nhưng phần lợi nhuận để lại cho DN không được bao nhiêu. Đơn cử, DN xuất khẩu một cái áo với giá 10USD thì nguyên phụ liệu và thiết kế đã chiếm khoảng 85%, DN gia công chỉ được hưởng 15%. Tuy nhiên, khoản này còn phải trừ hàng loạt chi phí như thuế, phí, nhân công… nên lợi nhuận cuối cùng còn được hưởng rất thấp, nếu không muốn nói là “nhặt tiền lẻ”. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển thị trường (Cục Xúc tiến thương mại), cho biết khảo sát thực tế thị phần xuất khẩu hàng nội địa tại thị trường thế giới cho thấy, mẫu mã bao bì sản phẩm của Việt Nam rất kém. DN Việt chủ yếu xuất khẩu thô cho DN nước ngoài, hoặc xuất khẩu dưới nhãn mác, thương hiệu của đối tác trên thế giới. Rất hiếm DN nội có thể trụ vững trên thị trường thế giới với thương hiệu của riêng mình. 
Đột phá từ khâu thiết kế
Để có thể định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường, theo bà Huỳnh Bích Trân, Phó giám đốc Bộ phận đo lường bán lẻ - Công ty Nielsen Việt Nam, DN nội cần phải xem chi phí cho thiết kế bao bì, sản phẩm là chi phí đầu tư cho phát triển giá trị gia tăng của sản phẩm. Chủ DN cần phải đầu tư để nắm bắt diễn biến thị trường, tâm lý và hành vi người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, những thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng đối với sản phẩm trên thị trường, để có những điều chỉnh thiết kế phù hợp. 
Kinh nghiệm thành công từ những tập đoàn trên thế giới cho thấy, việc thay đổi thiết kế bao bì, sản phẩm có thể thay đổi cục diện lợi nhuận thu được. Đơn cử, trường hợp sản phẩm trà Honest, định vị thiết kế sản phẩm ban đầu hướng tới nhóm khách hàng quan tâm đến sức khỏe. Thế nhưng, sau khi thương hiệu được chuyển nhượng về cho Coca-Cola, thiết kế định vị sản phẩm được thay đổi theo hướng thu hút nhóm đối tượng phổ thông và bao bì thiết kế được nhận diện khác biệt hơn so với những thương hiệu khác, đã giúp tăng doanh thu của sản phẩm này lên 64%. Tương tự, việc thay đổi cách nhận diện thương hiệu của HSBC, sản phẩm Cheez-it, Perdue… đã giúp tăng doanh thu từ 3,7% đến hơn 50% sau một năm thay đổi. 
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết thiết kế được xem là khâu then chốt để sản phẩm của DN có thể tiếp cận và đứng vững trên thị trường. Tuy nhiên, với nội lực còn khá khiêm tốn của DN nội thì việc hình thành và phát triển thiết kế trong DN là rất khó. Các cơ quan xúc tiến cũng chưa thành lập được trung tâm thiết kế chung để hỗ trợ cho cộng đồng DN. Nhiều nước trên thế giới đã hình thành trung tâm thiết kế quốc gia từ rất lâu đời, nhằm hỗ trợ thiết kế bao bì, sản phẩm cho các DN. Cụ thể, Philippines thành lập trung tâm thiết kế từ năm 1973, Malaysia vào năm 1993, Thái Lan năm 2013… 
Để nâng cao năng lực sản xuất cho DN nội, nhất là trong khâu thiết kế sản phẩm, Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc đã ký kết triển khai dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam”. Hàn Quốc sẽ hỗ trợ 1,8 triệu USD đầu tư Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc, dự kiến vận hành vào tháng 1-2018. Theo đó, trung tâm sẽ tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực thiết kế, đào tạo, tư vấn thiết kế cho các DN Việt. Đồng thời, dự án sẽ thành lập và vận hành kênh thương mại điện tử, giúp hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm có thiết kế tốt của Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là sang thị trường Hàn Quốc, giảm khâu trung gian, tăng khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, dự án cũng sẽ hỗ trợ DN cải thiện năng lực quản lý-vốn là một điểm yếu của DN ngành thủ công nghiệp. 
Ông Kim Hwichan, Giám đốc dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam”, cho biết theo khảo sát thực tế của đơn vị (phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam) thì nước ta đang có 1.700 làng nghề, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc. Sản phẩm thủ công nghiệp Việt Nam rất đa dạng nhưng mẫu mã đơn điệu và chất lượng sản phẩm không cao. Bao bì thiết kế cho sản phẩm cũng thiếu hấp dẫn người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nên nội lực đầu tư mở rộng yếu. Về khâu phát triển thị trường, tiếp cận kênh xuất khẩu, các cơ sở vẫn đang phải sử dụng nhiều kênh trung gian nên chi phí lưu thông sản phẩm tăng cao, giảm khả năng cạnh tranh.

Minh Xuân (sggp) 

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

(GLO)- Honda ICON e là mẫu xe máy điện hướng đến đối tượng học sinh với thiết kế cao cấp nhưng nhỏ gọn. Xe có mức giá dưới 30 triệu đồng, được phân phối tại thị trường Việt Nam với 3 phiên bản thể thao, đặc biệt và cao cấp cùng 6 lựa chọn màu sắc gồm xám, xanh, bạc, đen, đỏ xám và trắng xám.

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

(GLO)- Maserati Levante LE350AL21 mang đậm chất thể thao, kết hợp giữa thiết kế tinh tế và công nghệ tiên tiến. Với động cơ mạnh mẽ, khả năng vận hành tuyệt vời, Levante LE350AL21 chắc chắn sẽ làm hài lòng những tín đồ yêu thích sự khác biệt và đẳng cấp. Xe hiện có giá khoảng 5,4 tỷ đồng.

Aprilia Tuareg 660: Bạn đồng hành lý tưởng trên mọi cung đường phiêu lưu có giá 498 triệu đồng

Aprilia Tuareg 660: Bạn đồng hành lý tưởng trên mọi cung đường phiêu lưu có giá 498 triệu đồng

(GLO)- Aprilia Tuareg 660 là mẫu xe adventure đa năng, kết hợp giữa khả năng off-road ấn tượng và sự thoải mái trên những hành trình dài. Với thiết kế hiện đại, động cơ mạnh mẽ và công nghệ tiên tiến, Tuareg 660 là lựa chọn lý tưởng cho những ai đam mê khám phá và chinh phục mọi địa hình.