Với các chính sách tích cực hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước, sản lượng xe nội bán ra trong giai đoạn từ tháng 7 - 10/2020 đã tăng đột biến so với cùng kì năm trước, trong khi xe nhập khẩu lại có xu hướng giảm.
Xe ô tô nội lên ngôi tại Việt Nam
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh doanh ngành ô tô trong tháng 10/2020, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường trong giai đoạn "bình thường mới" sau dịch COVID-19.
Theo VDSC, nửa đầu năm 2020, COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới ngành ô tô, khiến doanh số bán hàng của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) giảm 30% so với cùng kì năm trước, xuống còn 102.720 chiếc.
Tuy vậy, với những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ như giảm 50% phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và áp thuế nhập khẩu 0% với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được giúp giảm chi phí mua xe, khôi phục nhu cầu của người dân.
Các chính sách này bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 6/2020 và kéo dài đến cuối năm.
Nhờ đó, tổng doanh số bán xe trên thị trường trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10/2020 đã tăng 1% so với cùng kì năm 2019, đạt 104.424 chiếc. Doanh số xe du lịch cũng được kích cầu tăng 3,1% trong giai đoạn này lên 77.022 chiếc.
Đà giảm doanh số xe thương mại và xe đặc chủng đã chậm lại khi giai đoạn giãn cách xã hội kết thúc và nền kinh tế khởi sắc từ quí III/2020.
Trong đó, nếu xét theo nguồn gốc xuất xứ, từ tháng 7 đến 10/2020, lượng xe nội được lắp ráp, sản xuất trong nước bán ra tăng 10,8% so với cùng kì, đạt 68.066 chiếc. Ở phía ngược lại, doanh số xe nhập khẩu tiếp tục giảm 14% còn 37.160 chiếc.
Nguyên nhân được VDSC chỉ ra là nhờ các chính sách của Chính phủ đã hỗ trợ giảm chi phí sản xuất và chi phí mua xe cho xe nội.
|
Về thị phần, trong tháng 10, Thaco tiếp tục là công ty có thị phần lớn nhất với 34,8%. Tiếp sau là các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Toyota, Honda, Mitsubishi. |
Trong đó, thị phần Mitsubishi tiếp tục tăng trưởng nhờ sự ưa chuộng của người mua với mẫu xe Mitsubishi Xpander. Ford - đơn vị "thống lĩnh" phân khúc xe bán tải - đứng ở vị trí thứ 5 với 8,8%.
Thông thường, các công ty lớn sẽ có lợi thế về giá thành sản xuất nhờ qui mô lớn, giúp giá bán phù hợp với túi tiền của người mua hơn. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty nhỏ, qua đó thị phần của các công ty khác giảm dần qua các năm.
Với sự phục hồi này, sau 10 tháng đầu năm 2020, ngành ô tô ghi nhận sụt giảm 17% so với cùng kì, chỉ đạt 204.144 chiếc.
"Ông lớn" ngoại ồ ạt gia nhập câu lạc bộ xe nội
Trước các chính sách tốt của Chính phủ đối với dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, một số mẫu ô tô có doanh số cao trước đây thường được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hay Indonesia thì nay cũng đã rục rịch được các nhà sản xuất ô tô dịch chuyển dây chuyền sản xuất, lắp ráp về Việt Nam để hưởng ưu đãi.
Đơn cử, hồi cuối tháng 7, Honda đã tổ chức lễ xuất xưởng Honda CR-V 2020 tại nhà máy Vĩnh Phúc. Đây là cột mốc đánh dấu sau 2 năm nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, dòng xe này đã chính thức được sản xuất tại Việt Nam.
|
Honda CR-V sau 2 năm nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan cũng đã chuyển sản xuất về Việt Nam. (Ảnh: HVN). |
Tương tự Honda, trung tuần tháng 7 thị trường ô tô Việt Nam cũng đón nhận thêm một "tân binh" mới gia nhập câu lạc bộ xe nội. Đó là dòng xe MPV Xpander của Mitsubishi Motor.
Sau hai năm mở bán tại Việt Nam và đạt được nhiều thành công về doanh số bán hàng, Mitsubishi đã quyết định lắp ráp Xpander tại Việt Nam. Dòng xe Xpander nội được bán với mức giá tương đương xe nhập khẩu.
Sau đó, cuối tháng 7, Trường Hải (Thaco) cũng trình làng mẫu SUV đô thị KIA Seltos với dây chuyền được đầu tư, lắp ráp tại nhà máy ở Chu Lai, Quảng Nam. KIA Seltos có mức giá chỉ tiwf 589 - 719 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều nếu so với đối thủ cùng phân khúc là Toyota Corolla Cross nhập khẩu có giá từ 720 - 918 triệu đồng.
Có thể thấy những lợi thế rõ ràng về chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, cùng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ hút khách hàng, các thương hiệu ô tô ngoại có lí do chính đáng để chuyển dây chuyền, nhà máy về sản xuất trong nước.
Tín hiệu phục hồi ngành ô tô
Theo đánh giá từ Chứng khoán Rồng Việt, thị trường ô tô Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.
Cơ hội chủ yếu đến từ các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, tiềm năng tăng trưởng dựa trên qui mô dân số và tỉ lệ sở hữu xe tại Việt Nam, hệ thống giao thông được cải thiện, áp lực thanh lí hàng tồn kho thấp hơn so với các năm trước,…
Đơn cử, từ ngày 10/7/2020, Nghị định 57/2020/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đạt chuẩn (hiện có 9 đơn vị như Toyota, Thaco, TC Motor, Hyundai,…) được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được.
Điều này giúp chi phí sản xuất giảm 2-5%, hỗ trợ giảm giá bán và kích thích nhu cầu mua xe của người dân.
Ngoài ra, Chính phủ đang xem xét miễn thuế tiêu thụ đặc biệt những linh kiện đã được nội địa hóa (hiện mức thuế cao khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực từ 10-20%) và hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
Động lực tăng trưởng trên thị trường ô tô còn xuất phát từ qui mô dân số khá lớn của Việt Nam - đứng thứ 15 thế giới với tổng dân số 97,6 triệu người và dự kiến đến 2025 đạt 101,1 triệu người.
GDP bình quân đầu người năm 2019 ở mức USD 2.590 nên dự kiến sẽ sớm vượt mức USD 3.000 trong vài năm tới, khi đó xu thế ô tô hóa sẽ diễn ra và tiến tới tỉ lệ 50 xe/1.000 dân.
Theo công ty khảo sát BMI, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ sở hữu xe ô tô thấp trong khu vực với chỉ 23 xe/1.000 dân. Do đó, dự báo doanh số xe năm 2021 trở đi sẽ đạt trên 500.000 xe, tăng 25% so với năm 2019.
Hệ thống giao thông được cải thiện cũng kích thích nhu cầu mua và sử dụng xe ô tô. Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ có 48 dự án giao thông được khởi công và hoàn thành trong năm 2020, cao nhất trong vòng 4 năm qua.
Cuối cùng, theo Chứng khoán Rồng Việt ước tính lượng xe tiêu thụ đã vượt tổng nguồn cung do dịch bệnh làm hạn chế nguồn cung trong và ngoài nước.
Qua quí IV/2020, VDSC dự kiến tổng cung đạt 127.000 chiếc, tổng cầu đạt 122.000 chiếc, nên năm 2020 xe tồn kho không đáng kể.
Kết luận lại, Chứng khoán Rồng Việt tin rằng doanh số bán hàng ngành ô tô sẽ tăng trưởng ở quí IV/2020 và năm 2021 nhờ tình hình kinh tế tích cực và những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Nhiều khả năng biên lợi nhuận gộp không cải thiện do cạnh tranh cao nhưng nhờ chi phí bán hàng được tiết giảm, không còn phải đưa ra các chính sách khuyến mãi để kích cầu như nửa đầu năm 2020 hay để thanh lí hàng tồn kho như năm 2019, sẽ giúp lợi nhuận sau thuế của các công ty ô tô tăng trưởng.
Theo Dân Việt