Thấp thỏm sống bên chân núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mưa lũ hoành hành khiến hàng vạn người dân ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên sống dưới chân núi ăn không ngon, ngủ không yên vì lo sạt lở
Mấy ngày qua, khi bão số 12 gây mưa lớn ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, hàng trăm hộ dân sống dưới chân núi ở huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum (giáp với 2 huyện Phước Sơn và Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam - nơi vừa xảy ra nhiều vụ sạt lở kinh hoàng) đứng ngồi không yên bởi nguy cơ sạt lở.
Trường mẫu giáo, nhà dân đều bị đe dọa
Đặc biệt, khu vực trung tâm huyện Đắk Glei nằm dọc đường Hồ Chí Minh có địa hình một bên là sông, một bên là núi. Trước đây, người dân hai bên đường đào sâu vào thân núi để lấy mặt bằng xây dựng nhà. Nhiều năm qua, mùa mưa, núi lại sạt đất đá vào nhà, gây thiệt hại nặng nề.
 
Nhà người dân ở xã Đắk Pék, huyện Đắk Glei bị sạt lở nghiêm trọng trong cơn bão số 9 đến nay vẫn chưa khắc phục được.Ảnh: HOÀNG THANH
Nhà người dân ở xã Đắk Pék, huyện Đắk Glei bị sạt lở nghiêm trọng trong cơn bão số 9 đến nay vẫn chưa khắc phục được.Ảnh: HOÀNG THANH
Căn nhà của anh Hoàng Văn Trung (32 tuổi, trú thôn 14B, xã Đắk Pék, huyện Đắk Glei) nằm dưới ngọn núi cao khoảng 20 m, dựng đứng. Trong cơn bão số 9 vừa qua, giữa đêm trời mưa tầm tã, gia đình anh phải bồng bế sang nhà người thân ngủ nhờ vì núi lở. "Nghe tiếng nổ rồi đất đá đổ xuống ầm ầm. Cả khu này hò nhau chạy tán loạn như chạy giặc" - anh Trung kể.
Chị Phạm Thị Thương (31 tuổi, đường A Khanh, thị trấn Đắk Glei) có nhà dưới chân núi cao hơn chục mét cho biết bây giờ, hễ có mưa là cả nhà mất ngủ vì lo sạt lở. "Quả núi phía sau nhà đang nứt toác, tôi bỏ tiền thuê máy múc về đào đi nhưng chính quyền không cho vì vi phạm luật khoáng sản" - chị Thương nói và mong muốn chính quyền có biện pháp bảo vệ tài sản, tính mạng người dân vùng có nguy cơ bị núi sạt lở vùi lấp.
Trường Mầm non xã Đắk Pék, nơi có gần 300 học sinh và thầy cô cũng đang nằm trong khu vực nguy hiểm khi quả núi phía sau không biết đổ sập lúc nào. Trong cơn bão số 9, quả núi đã bắt đầu lở, đổ đất đá tràn vào khu nhà ở nhân viên và bếp ăn của trường. Cũng may, có bức tường bê-tông chặn lại được một phần.
Để phòng sạt lở, nhiều người đã xây tường cao che chắn nhà cửa nhưng khó mà cản nổi nếu cả ngàn khối đất đá đổ xuống. Càng đáng lo hơn khi một bên là dòng sông Pô Kô chảy cuồn cuộn. Nếu chẳng may sự cố xảy ra, nguy cơ rất lớn cả người và tài sản sẽ bị cuốn trôi xuống dòng sông này.
Bà Y Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Đắk Pék, cho biết trong cơn bão số 9 vừa qua, 137 hộ bị ảnh hưởng nặng, 2 điểm trường bị sạt lở. "Ở xã này có nhiều nhà dân nằm trong vùng sạt lở rất nguy hiểm. Những ngày mưa bão chúng tôi phải kêu gọi họ di dời đến nơi an toàn" - bà Lý nói.
Theo bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, người dân địa phương đã phải nhiều năm sống trong nguy cơ lở núi khi mùa mưa về. Huyện đang cho đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra tình trạng sạt lở để lên phương án di dời dân.
Mưa lớn là chạy
Tại tỉnh Khánh Hòa, qua khảo sát, có đến 174 địa điểm được xác định có nguy cơ sạt lở núi, uy hiếp hơn 23.000 người. Trong đó, 84 điểm thuộc TP Nha Trang, nhiều nhất là xã Phước Đồng với 18 điểm. Đây cũng là khu vực liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở trong mùa mưa bão làm chết hơn 20 người.
Mấy hôm nay, bà Trần Thị Gái (ngụ thôn Thành Phát, xã Phước Đồng) cùng con trai nhiều đêm phải đến Nhà Văn hóa thôn trú đỡ. "Sợ lắm chú ơi. Đang ngủ mà nghe mưa lớn rớt trên mái tôn là vùng dậy bỏ chạy. Tôi chứng kiến rồi. Hãi hùng lắm. Bao nhiêu mạng người bị cướp đi trong chớp mắt" - bà Gái nói rồi kể lại vụ sạt lở năm 2018. Hôm ấy, 2 mẹ con bà đang nằm trong nhà thì bỗng nghe tiếng đá núi đổ về ầm ầm. Bà vùng dậy chạy ra ngoài thì thấy 2 vợ chồng hàng xóm vừa ra khỏi nhà đã bị đất đá đổ ập, vùi lấp. Căn nhà cũng bỗng chốc tan tành. Bà và con trai bủn rủn như bị chôn chân, chạy không được. May mắn, nhà bà chỉ bị đá đè sập tường.
Năm 2000, nhà bà Gái ở xóm Cồn (phường Xương Huân, TP Nha Trang) nhưng bị giải tỏa để làm kè ven sông. Bà được cấp mảnh đất tái định cư nhưng phải nộp 15 triệu đồng. Lúc đó gia đình khó khăn nên sau 5 năm bà Gái không có tiền đóng vào để nhận đất. Sau đó, bà bán luôn suất tái định cư chỉ với giá 25 triệu đồng. Bà lấy tiền lên thôn Thành Phát mua miếng đất do người khác cào núi san lấp mặt bằng với giá 6,5 triệu đồng rồi dựng cái nhà, lợp tôn để ở.
Sau vụ sạt lở năm 2018, dù biết rất nguy hiểm nhưng bà Gái chẳng có tiền để mua đất nơi khác. "Ở đây còn hàng trăm hộ dân nghèo như tôi, vẫn phải ở lại vì không biết đi đâu" - bà Gái ngậm ngùi. Bà Ngô Thị Tý, người hàng xóm cùng cảnh ngộ, nói thêm: "Cũng vì nghèo khổ chúng tôi mới lên đây ở, chứ thực ra không ai dám liều đánh cược mạng sống của mình với thiên tai".
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết qua khảo sát, địa phương có 811 hộ dân phải di dời. TP đã lên phương án bố trí quỹ đất tại khu tái định cư Phước Hạ (xã Phước Đồng) cho người dân rời khỏi những vùng nguy hiểm. 
HOÀNG THANH - KỲ NAM (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm