Tháo 'điểm nghẽn' để ngành game tại Việt Nam phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhưng thị trường game Việt Nam đang gặp nhiều vướng mắc trong việc đưa ra những bộ quy tắc và quy định pháp luật phù hợp để phát triển.
 
Game (trò chơi điện tử) đang là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh và dần được quan tâm song hành với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin. Năm 2022, doanh thu ngành game toàn cầu đạt hơn 200 tỉ USD. 
Báo cáo thị trường game toàn cầu 2020 của NewZoo từng đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn và tạo được đột phá ở lĩnh vực game trên thế giới. Từ "hiện tượng" Flappy Bird (2014) tới nay, có tới 5 doanh nghiệp Việt trong danh sách công ty game đứng đầu Đông Nam Á và Thái Bình Dương về lượt tải game trên toàn cầu. Cứ mỗi 25 game được tải trên thế giới thì một thuộc công ty Việt sản xuất.
Ngành "công nghiệp không khói" mới của Việt Nam
Việt Nam hiện có khoảng 200 công ty phát hành game và được xếp hạng 7 trong các quốc gia phát hành mobile game trên toàn cầu. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, 50% những game nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay có bàn tay đóng góp của người Việt.
Cũng theo một số nghiên cứu, thị trường eSports (thể thao điện tử) tại Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 28% trong vòng 5 năm tới, trở thành thị trường eSports có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định game là ngành có nhiều cơ hội tại Việt Nam.
Theo ông Do, Việt Nam hiện có khoảng 28,2 triệu người chơi game và đánh giá đó là con số mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2021, doanh thu ngành game tại Việt Nam đạt 665 triệu USD. Theo dự báo năm 2022, doanh số ngành game Việt còn khả quan hơn rất nhiều.
"Game là một trong những lĩnh vực hiếm hoi của nước ta có thể xuất khẩu nội dung số ra thế giới. Đó là thế mạnh cần tập trung phát triển và chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là ngành mũi nhọn về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời gian sắp tới," ông Lê Quang Tự Do cho biết. 
Ông Do cũng nhận định, trong thời gian tới chắc chắn ngành game sẽ phát triển bởi hai lý do, người chơi game rất ổn định, đây là lĩnh vực có rất nhiều đổi mới sáng tạo trong đó.
Tuy vậy ông Lê Quang Tự Do cũng chia sẻ, ngành game đang chịu nhiều định kiến. Các phương tiện truyền thông chỉ đề cập đến mặt trái của lĩnh vực game, làm cho các bậc phụ huynh và xã hội nhìn nhận những người chơi game, làm game một cách rất xấu.
Ngoài ra, khoảng một nửa doanh thu từ thị trường game ở Việt Nam đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khoảng 900 tựa game G1, gần 90% đến từ nước ngoài.
Theo cách phân loại trò chơi điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, G1 là game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp. Đây thường là sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao và mang lại doanh thu lớn.
Tháo "điểm nghẽn" để ngành game Việt phát triển
Năm 2016, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đã xác định "phần mềm và các trò chơi giải trí" là một trong 13 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa.
Tháng 11/2021, Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến 2030 đã có những chính sách chuyên biệt hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trên cả hai văn bản quan trọng nhất này thì game vẫn chưa được coi là ngành ưu tiên trong phát triển công nghiệp văn hóa. Các quy định hầu hết hiện nay liên quan đến việc cấp phép và quản lý trò chơi chứ chưa có các chính sách chuyên biệt để hỗ trợ sự phát triển của ngành này.
 
Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
Theo ông Lê Quang Tự Do, hiện tại các cơ quan quản lý nhà nước đang bổ sung rất nhiều quy định để hạn chế những mặt trái, đồng thời phát huy được các mặt tích cực của ngành công nghiệp trò chơi điện tử.
Bên cạnh đó, đại diện cơ quan quản lý cũng cho biết trong thời gian tới, một số quy định có thể được đưa ra nhằm hạn chế các mặt trái, giúp ngành công nghiệp trò chơi điện tử trong nước phát triển hơn.
"Chúng tôi đã bổ sung các quy định pháp luật và dự kiến ban hành vào nửa đầu năm 2023 ở cấp độ nghị định chính phủ, siết chặt thời gian chơi game trong một ngày không quá 3 tiếng đối với giới trẻ và siết chặt phân loại độ tuổi," ông Do chia sẻ.
Ông Do cũng nhận định một trong những "điểm nghẽn" hạn chế ngành game Việt chính là thuế. Theo quy định, doanh nghiệp sản xuất phần mềm được giảm 10% thuế, nhưng doanh nghiệp game vừa sản xuất phần mềm vừa phát hành thì lại không được hưởng ưu đãi này vì bị coi là doanh nghiệp phát hành.
Tiếp nữa, là cần thay đổi định kiến của xã hội về ngành game. "Chừng nào xã hội còn coi game là một ngành xấu thì ngành đó không bao giờ phát triển mạnh được". Ông Do cũng cho biết, điểm nghẽn cuối cùng đó là tình trạng game lậu, game xuyên biên giới không phép đang lộng hành khiến các nhà phát hành game trong nước không cạnh tranh được. 
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng lộ trình 5 năm phát triển lĩnh vực game từ 2022 đến 2027, tập trung giải quyết các vấn đề lớn: xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi game, kéo các công ty đang đặt trụ sở ở nước ngoài về lại Việt Nam; quản lý thị trường game; tổ chức sự kiện để xúc tiến hợp tác giao lưu đầu tư thương mại giữa các công ty game trong nước, với các quỹ đầu tư cũng như cơ quan quản lý để tìm tiếng nói chung; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành game để làm chủ dựa trên bàn tay và khối óc của người Việt Nam. 
Chính vì vậy, việc tháo những "điểm nghẽn" sẽ là bài toán cần được giải để ngành công nghiệp game tại Việt Nam phát triển trong tương lai.
Theo Minh Sơn (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm