(GLO)- Để công tác phòng-chống dịch sởi của tỉnh được đảm bảo, ngành Y tế của các địa phương phía Đông tỉnh như: Kbang, An Khê khẩn trương rà soát tỷ lệ tiêm phòng sởi cho trẻ em dưới 2 tuổi trên toàn địa bàn. Từ đầu năm đến nay, tại địa phương kể trên chưa ghi nhận trường hợp nào bị mắc bệnh sởi.
Các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng sởi đúng lịch và đủ mũi để chủ động phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: Phương Linh |
Theo thống kê năm 2013, toàn thị xã An Khê có 1.405 trẻ em dưới 1 tuổi, trong đó số trẻ được tiêm phòng dịch sởi là 1.483 trẻ, vượt kế hoạch tiêm chủng 5%. Chị Nguyễn Thị Bích Chi-cán bộ phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng, Trung tâm Y tế thị xã cho biết: “Để công tác phòng-chống dịch sởi đạt được hiệu quả cao, hàng tháng chúng tôi vẫn tăng cường cán bộ xuống trực tiếp từng trạm để tiêm chủng cho trẻ.
Cùng với đó kết hợp tuyên truyền thêm cho các bà mẹ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ý thức hơn về lợi ích của việc đưa con đi tiêm phòng sởi, tiêm đúng lịch và đủ mũi”. Hầu hết các bà mẹ đều có ý thức trong việc phòng bệnh cho con nên tới đúng hẹn, họ lại đưa con tới trạm y tế để tiêm chủng. Nhìn chung, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn thị xã An Khê vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị mắc bệnh sởi. Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong công tác phòng-chống dịch sởi tại địa phương.
Tại huyện Kbang, ngành Y tế huyện cũng đã tiến hành khảo sát đối tượng trẻ chưa được tiêm phòng sởi để chuẩn bị thực hiện các chiến dịch tiêm chủng sắp tới. Y sĩ Nguyễn Thanh Hải-cán bộ chuyên trách tiêm chủng mở rộng Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Kbang cho biết: “Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện vẫn chưa có trường hợp trẻ bị mắc bệnh sởi. Chúng tôi vẫn thường xuyên giám sát tình hình tiêm chủng từ các trạm y tế tuyến xã. Mỗi khi tới lịch tiêm, các cán bộ y tế xã, thôn thường đến từng gia đình nhắc các bà mẹ nhớ đưa con đến trạm đúng giờ để tiêm phòng. Thậm chí, có những làng ở quá xa, các cán bộ cũng xuống và tiêm phòng trực tiếp tại nhà cho trẻ. Nhờ vậy mà công tác phòng dịch sởi cũng như các dịch bệnh khác trên địa bàn tương đối được đảm bảo”.
Cách đây vài tháng, sau khi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều gia đình ở cả hai địa phương e dè với loại vắc xin Quinvaxem (5 trong 1) và không dám cho con tới tiêm nữa gây khó khăn cho công tác tiêm chủng. Tuy nhiên, sau một vài trường hợp tiêm mà không xảy ra dấu hiệu xấu, người dân cũng dần dần yên tâm và cho trẻ tiêm phòng trở lại. Cùng với sự tích cực, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ y tế thì ý thức, sự chủ động của người dân sẽ giúp cho việc phòng-chống dịch sởi đạt hiệu quả cao nhất.
Phương Linh