(GLO)- Vài năm trở lại đây, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe công nông trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng trở lại. Trong số này có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, rất nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, kiềm chế TNGT liên quan đến xe công nông hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Gia tăng TNGT liên quan đến xe công nông
Theo thống kê của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 8 năm (2010-2018), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 163 vụ TNGT liên quan đến xe công nông, làm chết 161 người, bị thương 139 người (chiếm 7,36% số vụ, 7,35% số người chết và 7,14% số người bị thương do TNGT). Riêng từ năm 2017 đến nay, TNGT liên quan đến xe công nông liên tục gia tăng. Cụ thể, năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ, làm chết 12 người, bị thương 12 người; năm 2017, con số này tăng lên 18 vụ với 15 người chết và 16 người bị thương; năm 2018, xảy ra 20 vụ, làm 14 người chết, 29 người bị thương. Còn từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ TNGT liên quan đến xe công nông, làm chết 11 người, bị thương 10 người.
Tại các cuộc họp tổng kết, đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông của tỉnh, vấn đề TNGT liên quan đến xe công nông liên tục được đại diện các sở, ngành, địa phương quan tâm thảo luận nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả để kiềm chế. Theo đó, quy định cấm xe công nông lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị đã được ban hành. Tuy nhiên, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe công nông vẫn xảy ra trên các tuyến đường này. Đặc biệt, quy định cấm sử dụng xe công nông chở người đã có nhưng thực tế, nhiều vụ TNGT liên quan đến xe công nông chở người vẫn xảy ra, làm chết và bị thương cùng lúc nhiều người.
Bất chấp quy định cấm, nhiều xe công nông vẫn chở đầy ắp người. Ảnh: L.H |
Lý giải về việc xe công nông vẫn lưu hành trên các tuyến đường bị cấm và vẫn chở người, Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho rằng: Việc xử lý xe công nông vi phạm hiện gặp không ít khó khăn bởi hầu hết các phương tiện không được đăng ký, người sử dụng đa phần là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số. “Khi gặp trường hợp vi phạm, lực lượng Cảnh sát Giao thông thường nhắc nhở, giáo dục để người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ là chủ yếu. Việc tạm giữ phương tiện hay xử lý vi phạm hành chính chỉ áp dụng với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần”-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông nói.
Khó quản lý phương tiện, người lái
Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, toàn tỉnh hiện có 37.747 phương tiện xe máy kéo nhỏ, máy phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp (trong đó có 22.121 xe máy kéo nhỏ và 15.626 xe máy phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp). Ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý phương tiện và Người lái (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: Hầu hết loại phương tiện này chưa được đăng ký cấp biển số để quản lý (hoặc trước đây đã cấp nhưng hết hiệu lực), người điều khiển phương tiện cũng không có giấy phép lái xe (GPLX) đúng hạng theo quy định. Cụ thể, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông-Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ quy định rõ: Người điều khiển các loại máy kéo nhỏ có tải trọng đến 1 tấn phải có GPLX hạng A4. Thực hiện Thông tư này, Sở Giao thông-Vận tải đã phối hợp với các đơn vị triển khai đầu tư phương tiện, trang-thiết bị và nhân lực để phục vụ đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến các địa phương cũng như đẩy mạnh công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, toàn tỉnh cũng chỉ cấp được khoảng 100 GPLX hạng A4. Các giấy phép này đến nay hầu hết đã hết hạn nhưng rất ít người dân đến các cơ quan chuyên môn để thực hiện cấp đổi theo quy định. Do vậy, thực tế số người có GPLX hạng A4 hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Cái khó nhất là việc sát hạch lý thuyết trên phần mềm máy vi tính. Nhiều nông dân thậm chí chưa từng sử dụng máy vi tính bao giờ nên e ngại việc học và thi. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý việc có hay chưa có GPLX đôi lúc còn xuê xoa nên người dân dễ có tâm lý bỏ qua”-ông Kiên nêu bất cập.
Bên cạnh việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thì việc cấp giấy chứng nhận đăng ký xe làm cơ sở quản lý phương tiện này cũng gặp rất nhiều bất cập. Đại tá Phạm Văn Uấn cho hay: “Theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4-4-2014 của Bộ Công an, để được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe, phương tiện phải có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe. Cụ thể là tờ khai nguồn gốc nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu) hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất trong nước) và hóa đơn chứng từ mua bán hợp lệ, chứng từ lệ phí trước bạ xe. Trong khi đó, xe công nông hầu hết là phương tiện được độ chế, không có giấy tờ chứng minh việc sản xuất, lắp ráp, không thực hiện được các thủ tục kiểm định nên không đủ điều kiện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký xe”. Cũng theo Đại tá Uấn, trước năm 2007, Phòng Cảnh sát Giao thông đã phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp đăng ký quản lý được 3.637 xe độ chế và xe máy kéo nhỏ. Tuy nhiên, việc cấp đăng ký quản lý này cũng đã hết hạn từ năm 2007.
Trong điều kiện chưa thể tìm ra phương tiện thay thế, việc đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và sư an toàn là điều không hề đơn giản, nhất là trong tình hình TNGT liên quan đến xe công nông gia tăng liên tục như thời gian vừa qua. Theo ông Uông Việt Dũng-Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: “Điều này đòi hỏi chính quyền, ngành chuyên môn và lực lượng chức năng địa phương phải có sự phối hợp vào cuộc, tìm giải pháp hợp lý hơn nữa, như: tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người sử dụng phương tiện; dán phản quang để nâng cao an toàn trong quá trình lưu thông; đẩy mạnh việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp người điều khiển phương tiện công nông vi phạm các quy định pháp luật...”.
LÊ HÒA