Sống là cho đi mà không cần nhận lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: 'Một tấm gương sống còn có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền'. Với Thượng úy Trần Bình Phục và cô ca sĩ Y Byen, sống là cho đi mà không cần nhận lại. Tấm gương của họ khiến nhiều người ngưỡng mộ.

 Ca sỹ Y Byen.
Ca sỹ Y Byen.



Cuộc sống là cho đi

Cho đi, chia sẻ yêu thương là phương châm sống của Y Byen, cô ca sỹ Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San Gia Lai.

Câu chuyện được bắt đầu cách đây 14 năm, tại một ngôi làng ở xã Đê Ar (huyện Mang Yang) có một phụ nữ vừa sinh con thì qua đời. Theo tập tục của dân làng lúc bấy giờ, đứa bé sẽ phải chôn chung với người mẹ xấu số. Trong lúc cái chết cận kề với sinh linh bé bỏng, cô bé Y Byen (khi ấy mới 14 tuổi) cùng cha mẹ của mình từ làng Piơm (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) tức tốc chạy xuống, xin dân làng và người thân để cho cậu bé được sống và nhận về nhà nuôi dưỡng. May mắn cho cậu bé, cả dân làng đều đồng ý.

“Khi ấy, mình chưa đủ tuổi để nhận con nuôi nên mọi thủ tục đều do cha mẹ làm. Nhà mình lúc đó cũng rất nghèo, bé Y Song (tên của cậu bé) nhiều lúc phải uống nước cơm để đỡ đói…”, Y Byen tâm sự.

11 năm sau ngày bé Song về với gia đình, một mối duyên mẫu tử lại đến với Byen. Đó là ngày 10-8-2015, trong chuyến đi biểu diễn, Y Byen nghe tin gia đình một đồng nghiệp vừa nhặt được một bé sơ sinh tại nghĩa địa.

“Chỉ nghe vậy thôi, mình chẳng kịp suy nghĩ gì hết, biểu diễn xong liền chạy đến. Mình vẫn còn nhớ như in hình ảnh của Y Sơn (tên em bé do Byen đặt) lúc đó. Vì Sơn sinh bị thiếu tháng nên chỉ nhỏ bằng bắp tay người lớn, dây rốn vẫn chưa được cắt. Mình bế bé lên và nói: “Con ơi, hãy yên tâm là từ nay con có mẹ rồi”.

Cô gái người Bahnar tâm sự: “Khó khăn với một người mẹ đơn thân nhiều không kể xiết, thế nhưng nhìn các con khôn lớn từng ngày, nhìn những cử chỉ yêu thương của các cháu dành cho mẹ mỗi lần đi diễn xa về thì thấy ấm áp vô cùng. Đó là một hạnh phúc vô cùng lớn lao, là sự cho đi và nhận lại tình yêu thương vô bờ bến”.


 

Thượng úy Trần Bình Phục.
Thượng úy Trần Bình Phục.




Hành trình chở đầy yêu thương

“Lần đầu tiên tôi đặt chân ra đảo Hòn Chuối là sau khi cơn bão Linda 1997 càn quét qua đây. Trên đảo, những đứa trẻ đen nhẻm, nheo nhóc và tất cả đều không biết chữ. Nhìn những ánh mắt tròn xoe, ngơ ngác tôi đã tự nguyện với lòng mình phải làm một điều gì đó để giúp cho cuộc sống của các cháu sau này bớt khổ hơn”.

Và đó cũng là cơ duyên để Thượng úy Trần Bình Phục- Đồn Biên phòng Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau gắn bó với những hành trình chở đầy yêu thương.

Thượng úy Phục mở đầu câu chuyện bằng hình ảnh thô sơ về hòn đảo đã gắn bó hơn chục năm nay. Đó là hòn đảo có 54 hộ dân với gần 170 nhân khẩu. Tất cả đều là hộ nghèo, có gia đình 3 đời không biết chữ. Người dân ở đây bám biển mưu sinh, cuộc sống của họ bấp bênh quanh năm suốt tháng gắn với con cá, con mực…

Với người dân nơi đây không phải đói ăn đói mặc là điều ghê gớm, mà theo thầy Phục, đói tri thức mới là sự ghê gớm nhất. Thầy Phục cùng đồng đội của mình đã xây dựng nên một lớp học tình thương để dạy cho lũ trẻ con chữ. Nơi rừng núi hoang vu đều đặn mỗi ngày, thầy đi xuống gành đón học trò, đếm đủ số lượng rồi dắt các em leo lên 303 bậc thang để dạy chữ.

Lớp học được dựng tạm bằng mấy thanh gỗ và vài miếng tôn cũ. Ngày nắng thì nóng như đổ lửa, ngày mưa thầy trò phải dắt nhau chạy như chuột vì mưa dột. Thương bọn trẻ, thầy Phục đã về đất liền kết nối những tấm lòng thiện nguyện để lên đảo xây dựng một ngôi trường vững chãi cho lũ trẻ yên tâm học cái chữ. Ròng rã suốt 1 năm trời, hàng trăm tấn vật liệu được chuyển từ đất liền ra chân đảo, rồi từ chân đảo vác lên núi. Trường được xây xong y như một ngôi nhà ấm áp vậy đó, thầy trò không còn sợ sập nữa cũng chẳng sợ cảnh nắng mưa.

Gần 10 năm trên đảo Hòn Chuối, điều lớn nhất mà thầy Phục cảm thấy tâm đắc chính là làm thay đổi nhận thức, ý thức của bà con trên đảo. Rằng chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời con em họ. Bởi trước đây người dân đơn giản nghĩ rằng, mỗi ngày con em họ chỉ cần đi câu vài con cá, có cơm ăn, thế là xong. Còn việc học là một điều gì đó rất xa lạ.

Để gắn bó với các em theo thầy Phục chỉ cần hai chữ: Tình thương. Nhìn lũ nhỏ đen nhẻm, thầy Phục lại nhớ đến con mình, rồi chẳng nỡ lòng nào để chúng thất học. Khó đến mấy thầy cũng quyết đi từng nhà, cố gắng thuyết phục người dân để các em được học lấy con chữ. Dù hiện nay các cấp lãnh đạo tạo mọi điều kiện để thượng úy Trần Bình Phục có thể làm việc ở vị trí tốt hơn sau nhiều năm cống hiến, nhưng mỗi lần như thế thầy đều xin ở lại đảo vì không muốn xa rời những học sinh thân yêu của mình.

Thầy Phục, chị YBen chính là những tấm gương sáng để mọi người ngưỡng mộ, noi theo, để thấy rằng hạnh phúc thực sự là khi làm cho người khác hạnh phúc. Những bông hoa đời thường này, những tấm gương sống này còn có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Nguyên Khánh (Đại Đoàn Kết)

Có thể bạn quan tâm