Kỳ 3: Bình yên trở lại dưới chân núi Ktiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

6 năm kể từ ngày 'luồng gió độc' quét qua, cuộc sống của đồng bào Bahnar ở làng Kret Krót, làng Kdung 1 thuộc xã Hà Ra dưới chân núi Ktiêng - nơi một thời được mệnh danh là 'thủ phủ của tà đạo Hà Mòn' đã thực sự hồi sinh trở lại với sự bình yên vốn dĩ của nó. Và với những người một thời được xem là 'thành phần tích cực, cầm đầu' tham gia 'tà đạo Hà Mòn', giờ nhắc lại, họ vẫn nghĩ đó là cơn ác mộng thoảng qua...

 Xua tan
Xua tan "luồng gió độc Hà Mòn", bà con đồng bào Ba Na làng Kret Krót vui mừng trẩy hội.



Sau khi đập tan "vòi bạch tuộc" được các đối tượng phản động FULRO lưu vong núp bóng dưới cái tên "đạo Hà Mòn" hòng xâm nhập, lôi kéo đồng bào Bahnar ở Tây Nguyên chống đối, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, từ đầu năm 2013 đến nay, cùng với chính quyền địa phương, lực lượng CA tỉnh Gia Lai, CAH Mang Yang đã tiếp tục đấu tranh, phá rã nhiều "khung ngầm Fulro", bắt giữ và đưa ra xét xử trước pháp luật hàng chục đối tượng cầm đầu. Bên cạnh đó, với quyết tâm giáo dục cảm hóa, giúp đỡ những người từng lầm lỡ hướng thiện, đến nay đa số người dân ở xã H'Ra, đặc biệt là tại hai làng Kret Krót và Kdung 1 đã thực sự nhận ra sai lầm của mình, qua đó đoạn tuyệt với tà đạo để trở về cuộc sống bình thường. Khác với cảnh đìu hiu như nhiều năm trước, giờ đây làng Kret Krót đã thực sự thay da đổi thịt, khởi sắc lên từng ngày. Đường sá, làng xóm, nhà cửa khang trang, trường học, bệnh xá được xây dựng kiên cố, những vườn cây công nghiệp phủ xanh 2 bên đường vào làng là minh chứng cho sự nỗ lực của cộng đồng chung tay xua tan đi "luồng gió độc" tà đạo Hà Mòn.

Anh Wung (40 tuổi, làng Kret Krot), một trong những nạn nhân của "luồng gió độc" này, kể: năm 2011, anh nghe theo lời lôi kéo của các đối tượng FULRO, bỏ vợ con trốn vào rừng tụ tập cầu nguyện. Tháng ngày sống chui lủi trong rừng như con thú, khổ cực, đói khát, anh thấm thía nỗi nhớ thương gia đình. Dần dần anh cũng nhận ra bản chất lừa phỉnh của bọn phản động. Được chính quyền, Công an vận động, thuyết phục, năm 2013, Wung ra trình diện. Sau những ngày "sóng gió", Wung trở về làng trong nước mắt hạnh phúc vợ con. Cần cù, chăm chỉ, vừa được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, giờ đây gia đình Wung vừa có rẫy ngô, cà-phê, trở thành hộ khá giả với thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng.

Ông Rân (52 tuổi, ở làng Kret Krót) cũng là một điển hình. Năm 2013, ông trốn ra rừng theo lời xúi giục, lừa phỉnh của các đối tượng FULRO. Cầu nguyện, chờ đợi mỏi mòn, đói khát mà vẫn chưa thấy giàu có, ông Rân biết đã bị kẻ xấu lợi dụng nên tìm đường quay về. "Ngày đó, vì nghe theo kẻ xấu khiến gia đình, người thân tôi rơi vào cảnh khốn khó. Tôi buồn và hối hận lắm. Được chính quyền giúp đỡ, kinh tế cũng bớt khó khăn. Tụi nó chỉ lừa mình thôi!". Và chính ông Rân cùng với những người có uy tín, chính quyền địa phương và CAH Mang Yang tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho dân làng hiểu rõ bản chất phản động của các đối tượng FULRO cũng như thứ "tà đạo" Hà Mòn. Từ đó, hàng chục lượt người dân làng trốn ra ra rừng đã về trình diện được chính quyền địa phương, lực lượng CA hỗ trợ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.


 

Juy (ngoài cùng bên phải) kể lại khoảng thời gian kinh hoàng khi nghe theo bọn phản động trốn vào rừng sâu.
Juy (ngoài cùng bên phải) kể lại khoảng thời gian kinh hoàng khi nghe theo bọn phản động trốn vào rừng sâu.



Gặp Juy (1986), làng Kret Krót, người đã có hơn 6 năm trốn vào rừng khi nghe theo lời phỉnh dụ của bọn Fulro. Tháng 12-2018 vừa qua với Juy là một bước ngoặt lớn, bởi hơn 6 năm ròng rã sống chui sống lủi trong rừng, Juy đã nhận ra bản chất thật của cái gọi là "đạo Hà Mòn". Mặc dù rất muốn quay về với gia đình, vợ con nhưng thâm tâm Juy vẫn còn nhiều mặc cảm, tự ti với bà con làng xóm khi họ sớm nhận ra và trở về, còn Juy vẫn khăng khăng với niềm tin mù quáng, dù cho rất nhiều lần được chính quyền, người thân vận động. Cơ hội mở ra cho Juy khi dịp Tết Nguyên đán vừa qua, CAH Mang Yang tổ chức đợt truy quét số đối tượng còn lẩn trốn trong rừng, và Juy là một trong 2 người được "đưa" về trong đợt này. Với Juy, những tháng ngày trốn chui, trốn nhủi như con thú hoang ở trong rừng sâu, đối mặt với khổ cực đã chấm dứt. Dưm (1968), làng Kdung 1, xã Hà Ra, H. Mang Yang cũng từng là một trong những đối tượng cầm đầu tuyên truyền tà đạo Hà Mòn ở Mang Yang đã quay về với dân làng, chăm lo làm ăn cho mái ấm của mình. Nhìn Dưm đang tỉ mẩn chăm sóc vườn hồ tiêu xanh mướt của gia đình, chúng tôi nhận thấy niềm tin về một ngày mai tươi sáng, ấm no đã thực sự trở lại trong tâm thức của đồng bào Ba Na một thời quay lưng về phía "mặt trời".

Sau cơn "chếnh choáng" vì "con gió độc" tà đạo Hà Mòn, người dân ở các làng cũng đã làm lễ tuyên bố xóa bỏ thứ tà đạo này ra khỏi buôn làng, khẳng định sự chung sức, đồng lòng của quân và dân Gia Lai trong việc chống lại thứ tà đạo nguy hiểm. Những ngôi làng giờ đã bình yên trở lại. Chính quyền và bà con nơi đây đang chung tay xây dựng buôn làng vững về kinh tế, giàu về bản sắc và xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc, phá vỡ mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Nhóm P.V xã hội (CAĐN)

Có thể bạn quan tâm