(GLO)- Mấy năm trước, tôi sang Campuchia do có bạn là chủ một chiếc xe khách chạy tuyến Pleiku-Ban Lung. Ban Lung là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Xe khởi hành lúc 7 giờ thì đến nơi khoảng 12 giờ do làm thủ tục và đi qua 2 cửa khẩu (Lệ Thanh và Oyadav) mất khoảng 30 phút. Xe 45 chỗ ngồi nhưng mỗi chuyến chỉ có khoảng 10 hành khách sang mua bán và một số công nhân cao su về phép qua, còn lại là hàng hóa, nhu yếu phẩm…
Qua lại nhiều lần mới thấy khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có nhiều thay đổi. Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại khu trung tâm. Hiện có 18 dự án đã đầu tư vào đây với tổng vốn đăng ký 396 tỷ đồng. Hoạt động kinh tế qua cửa khẩu có những đóng góp nhất định vào việc giao lưu thương mại, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Nếu như năm 2006 kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt gần 2,2 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 3,1 triệu USD thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay ước đạt đến 127 triệu USD, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2016 và cao nhất từ trước đến nay.
Tỉnh ta kỳ vọng nhiều vào khu kinh tế cửa khẩu đường 19 (gồm các xã Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty của huyện Đức Cơ với tổng diện tích tự nhiên 41.860 ha, dân số xấp xỉ 30 ngàn người) do Khu Kinh tế Cửa khẩu cũng là vùng nằm trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tuy nhiên, phía Campuchia gồm các huyện Oyadav, Bor Keo và TP. Ban Lung dân cư còn thưa, chỉ tập trung trên một số con đường chính. Cách đó khoảng hơn 100 km là TP. Stung Treng (tỉnh Stung Treng) cũng vậy, người dân chủ yếu làm nông và một số làm nghề đánh bắt cá trên sông Mê Kông. Nền nông nghiệp của tỉnh Stung Treng cũng như Ratanakiri: trồng mì và gần đây có các doanh nghiệp Việt Nam sang thuê đất trồng cao su, trồng mía và cây ăn quả. Giao thương qua lại giữa hai bên tập trung vào một số mặt hàng như: lương thực, thực phẩm, hàng điện máy…
Làm gì để góp phần đưa Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh phát triển đáp ứng yêu cầu giao thương 2 nước, 2 tỉnh đặt ra? Vấn đề đáng quan tâm là đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng còn khó khăn. Không thể xây dựng một khu kinh tế cửa khẩu phát triển mạnh khi mặt bằng đời sống dân cư còn thấp. Do vậy, song song với các chương trình đầu tư về văn hóa-xã hội, chính quyền cần giúp đồng bào địa phương tổ chức lại sản xuất thông qua công tác quy hoạch vườn cao su tiểu điền, cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Trong tương lai, chính nguồn lao động dồi dào tại chỗ sẽ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của các cơ sở sản xuất, chế biến trong vùng. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần tập trung đầu tư cho giao thông nông thôn, đưa điện lưới và mạng viễn thông đến tận làng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và thông tin liên lạc của nhân dân trong vùng...
Triển khai thực hiện có kết quả những vấn đề nêu trên chính là đã tạo một cú hích mạnh vào vùng biên, giúp khu kinh tế trọng điểm này trở thành một điểm nhấn trong khu vực Tam giác phát triển.
Thanh Phong