Số hóa truyền hình mặt đất trước "giờ G"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo đề án số hóa truyền hình Việt Nam, việc triển khai đề án số hóa truyền hình mặt đất sẽ hoàn thành cơ bản vào ngày 30-11-2020. Trước “giờ G”, một số người dân vẫn thắc mắc về việc sẽ xem truyền hình số bằng cách nào khi tắt sóng analog hoàn toàn?
Ngày 27-12-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2451/QĐ-TTg phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Tiếp đó, ngày 14-3-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 310/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2451/QĐ-TTg. Theo nội dung đề án, 63 tỉnh, thành trong cả nước được chia thành 4 nhóm và lần lượt triển khai lộ trình số hóa truyền hình mặt đất.
Hiện nay, số hóa truyền hình mặt đất đã bước vào giai đoạn cuối với mục tiêu sẽ hoàn thành toàn bộ kế hoạch, chính thức tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất ( truyền hình analog) trên cả nước vào ngày 31-12-2020. Theo đó, các tỉnh thuộc nhóm IV gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông đang gấp rút triển khai đề án. 
Vậy người dân có thể xem truyền hình số bằng cách nào khi tắt sóng analog hoàn toàn? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai) cho biết, có 3 cách để người dân có thể xem truyền hình số: Mua đầu thu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2 hoặc đầu thu truyền hình số vệ tinh DTH (đối với những khu vực lõm sóng truyền hình mặt đất  như miền núi, vùng sâu, vùng xa); đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, truyền hình qua internet (đối với những hộ chưa sử dụng các phương thức truyền hình trả tiền); mua ti vi đã tích hợp sẵn tính năng đầu thu DVB-T2 (đối với những hộ đang sử dụng ti vi chưa tích hợp tính năng DVB-T2).
Theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BTTTT ngày 18-3-2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 1-4-2014, các ti vi sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 63:2012/BTTTT. Các doanh nghiệp sản xuất ti vi và đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 phải thực hiện đồng thời việc dán nhãn hàng hóa, gắn dấu hợp quy lên sản phẩm và dán logo biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam lên phía trước thiết bị để người dân dễ nhận biết.
 Người dân chọn mua ti vi tích hợp sẵn tính năng đầu thu DVB-T2 để xem truyền hình số. Ảnh: Hà Duy
Người dân chọn mua ti vi tích hợp sẵn tính năng đầu thu DVB-T2 để xem truyền hình số. Ảnh: Hà Duy
Anh Trần Đức Nhật-quản lý cửa hàng Điện máy Đức Thanh (04 Trần Phú, TP. Pleiku) cho hay: “Tại Gia Lai, cách đây gần 2 năm, Nhà nước đã bắt buộc chỉ bán những ti vi đã tích hợp sẵn đầu thu truyền hình số rồi. Cửa hàng Đức Thanh hiện có nhiều model ti vi số của các hãng điện tử như Samsung, Sony, LG… đã tích hợp tính năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2, người dân chỉ cần mua thêm bộ ăng ten thu sóng truyền hình số có giá khoảng 100.000 đồng là có thể xem truyền hình số. Còn nếu nhà đã có ti vi cũ chưa tích hợp tính năng DVB-T2, muốn xem truyền hình số thì mua thêm đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hoặc đầu thu truyền hình số vệ tinh DTH có giá khoảng trên dưới 1 triệu đồng và bộ ăng ten thu sóng”.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông) cũng thông tin thêm: Người dân nên đến những cơ sở uy tín, không nên mua đầu thu kỹ thuật số trôi nổi trên thị trường, không có dán nhãn hàng hóa, dấu hợp quy và logo biểu trưng số hóa truyền hình.
Số hóa truyền hình mặt đất được đánh giá là xu thế tất yếu để bảo đảm sự phát triển hiệu quả và hội nhập thành công của lĩnh vực truyền hình với thế giới. Khi quá trình số hóa này hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình analog. Truyền hình analog sẽ ngừng hoạt động và đi vào lịch sử như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm