Bây giờ đã cuối mùa hoa…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng đang ở thời điểm chín rộ theo mùa, gió không còn thông thốc dội vào núi, chỉ mênh mếnh xác xao len nhè nhẹ vào mỗi buổi sớm mai, đem theo cái se se rất đặc trưng của thời tiết cao nguyên. Chiều ngang qua ngoại ô, thoáng thấy những đóa dã quỳ lác đác vàng trong nắng xế. Chợt nhớ, bây giờ đã cuối mùa hoa…
Cô em gái từ phương xa về với phố, tiếc rẻ xuýt xoa đã không thu xếp được công việc để có mặt vào dịp lễ hội hoa dã quỳ. Nhìn mọi người tưng bừng với hoa, lòng em lại càng mong ngóng. Hoa nở có thì, mỗi năm chỉ một mùa, rộ lên chừng một tháng, rồi lại lặng lẽ chờ đến mùa sau. Cái độ rộ lên rực rỡ ấy, người ta nô nức tìm đến với hoa để thưởng ngoạn, để ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên hoa.
Ảnh  nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Cái triền núi nơi diễn ra lễ hội hoa ấy gắn bó với tôi một khoảng thời gian rất dài. Những tháng năm vất vả và lặng lẽ nhất cuộc đời, tôi đã lớn lên bên hoa. Đến độ, cái mùi ngai ngái của cây lá lúc nào cũng như vương vất trong khứu giác. Gia đình tôi trồng hoa màu trên triền núi, mùa mưa, có độ mưa triền miên hàng tháng, tôi ngồi nhìn loài cây xanh mướt mải ấy trải dài trên cái bờ ranh giới ngăn cách giữa các khoảnh rẫy để cảm nhận sức sống mạnh mẽ hoang dại của nó. Rồi mùa thu hoạch đến, trùng với mùa dã quỳ ra hoa, nhưng dường như chẳng mấy ai để ý đến sự có mặt của nó. Những người nông dân vẫn cần mẫn với công việc, mùa màng, lặng lẽ, nhẫn nại và chăm chỉ bên những khoảnh hoa vàng ruộm nhuộm thắm nương rẫy núi đồi.
Thế rồi, cái triền núi ấy như được đánh thức, bừng dậy rực rỡ qua những bức ảnh đẹp. Du khách nơi nơi tìm đến thưởng ngoạn loài hoa dại của núi rừng. Sau này tôi mới biết, hoa ấy không chỉ có ở Tây Nguyên, nó có mặt ở rất nhiều nơi. Nhưng với riêng tôi, hơi cá nhân một chút, tôi thấy dã quỳ “hợp” với đất Tây Nguyên hơn cả. Trên nền đất đỏ màu son, lá xanh hoa vàng dường như nổi bật hẳn lên, như tấm thổ cẩm vừa hoàn tất, còn tươi nguyên màu thiên nhiên rừng núi. Và nâng đỡ cho những màu sắc ấy là nắng, nắng càng hanh hao thì hoa càng thắm sắc, càng căng mọng nhựa sống giữa đất trời.
Đưa cô em ra phía ngoại ô để tìm những đóa hoa cuối cùng còn sót lại với mùa, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh những người yêu hoa nâng niu từng đóa hoa vàng như bông mặt trời nhỏ trên tay để ghi lại những bức ảnh, như cố níu lại một chút rực rỡ cuối cùng. Lại thấy có người giơ máy ảnh về phía những chiếc đài hoa khô quắt đen đúa nổi lên giữa nền trời xanh. Những thân dã quỳ giờ cũng đã héo khô, lác đác còn vài cành xanh, lá rũ xuống trong nắng chiều, mang trên mình những bông vàng sót lại. Nắng cũng mấy tháng rồi, nắng ở miền này khắc nghiệt, cây chỉ có thể hấp thụ sương đêm để nuôi hoa lá. Thế mà những bông hoa cuối mùa vẫn đẹp, vẫn tròn trịa căng đầy.
Mỗi lần nhìn ngắm những bông dã quỳ cuối mùa, tôi hay chạnh lòng nghĩ đến cuộc sống. Con người thường có tâm lý phù thịnh. Phàm chỗ nào đông vui, nhộn nhịp là chỗ người ta thích tìm đến, thích hòa vào. Những bông hoa nở đúng vào độ rực rỡ nhất là những đóa hoa may mắn, hẳn nhiên là như vậy. Nhưng cuối mùa, hoa vẫn có vẻ đẹp riêng, lại là niềm may mắn dành riêng cho những người đã bỏ lỡ mất dịp đông vui, như cô em tôi và những người tôi gặp ở vùng ngoại ô trong buổi chiều muộn nọ.
Thành phố mỗi sớm mai, tôi vẫn không quên ngước nhìn những cây dã quỳ đã khô quắt. Lòng chợt xôn xao khi nhận thấy loáng thoáng dưới thấp hơn, những đóa hoa vàng vẫn căng mình tròn trịa, nở nốt cho mùa…
Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.