Khởi công từ tháng 3-2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2022 nhưng đến nay, Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành khâu GPMB. Công trình có tổng chiều dài toàn tuyến là 32,75 km đi qua địa bàn các huyện: Chư Sê (dài 5,8 km), Chư Pưh (25 km), Chư Prông (1,95 km). Trong số này có 22,1 km được tỉnh giao cho các huyện làm chủ đầu tư công tác bồi thường, GPMB. Đến thời điểm này, chỉ còn đoạn tuyến đi qua huyện Chư Pưh vẫn chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hiện huyện đã bàn giao được 16,4/18,4 km, còn 2 km thuộc thị trấn Nhơn Hòa đang bị ách tắc. Ngoài ra, còn 14 trụ điện trung thế phải di dời (Công ty Điện lực Gia Lai đã phê duyệt kinh phí, phương án di dời), đang chờ UBND huyện Chư Pưh bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Theo thiết kế, tuyến đường mới được nắn thẳng hơn, không theo hiện trạng đường cũ nên cắt qua nhiều phần đất của 8 hộ dân. Huyện đang tập trung vận động, thỏa thuận phương án đền bù, hỗ trợ đối với các hộ dân; đồng thời, bàn giao mặt bằng ở đoạn tuyến này để sớm triển khai di dời hệ thống đường điện. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là công tác bồi thường liên quan đến 4 hộ dân có nhà và đất thuộc diện di dời, giải tỏa nằm ở 2 bên quốc lộ 14. “Địa phương đã thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Nhưng trong thời gian triển khai đền bù, giá giao dịch chuyển nhượng đất ở khu vực đền bù tăng mạnh nên đến nay vẫn chưa thỏa thuận được với người dân, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh thông tin.
Việc chậm bàn giao mặt bằng đã gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị thi công, làm phát sinh chi phí cũng như có nguy cơ chậm tiến độ hợp đồng. Đơn cử, Dự án đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Duẩn, TP. Pleiku) đã bố trí đủ vốn trong năm 2022 (185 tỷ đồng), được khởi công tháng 12-2021, dự kiến hoàn thành tháng 11-2023 nhưng hiện vẫn còn vướng công tác GPMB.
Ngoài việc người dân chưa đồng thuận di dời, Dự án đường Nguyễn Chí Thanh hiện còn vướng mặt bằng để di dời hơn 200 trụ điện lưới 0,4 kV và 22 kV trong phạm vi thi công mặt đường và phạm vi hệ thống thoát nước dọc; vướng 172 trụ điện chiếu sáng. Hiện Công ty Điện lực Gia Lai đang triển khai đào móng trụ cột điện, dựng đoạn gốc cột bê tông ly tâm nhưng tiến độ di dời chậm vì có nhiều điểm còn vướng mặt bằng.
Cùng với đó, một số dự án của tỉnh chưa giải ngân hoặc giá trị giải ngân rất thấp do vướng khâu GPMB như Dự án xây dựng trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa, được phê duyệt đầu tư xây dựng trong năm 2022 nhưng mặt bằng xây dựng chưa được giải phóng. Ủy ban nhân dân huyện Đak Đoa đang thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan và trình UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (hiện trạng là đất trồng cao su) để thực hiện các thủ tục chuyển đổi, thu hồi đất. Tiếp đến là dự án công trình Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê) đã ký hợp đồng xây lắp nhưng chưa có mặt bằng để khởi công.
Nhằm sớm giải quyết khâu bồi thường, GPMB để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai dự án, UBND huyện Chư Pưh thường xuyên kiểm tra, làm việc với các đơn vị liên quan, đôn đốc việc thỏa thuận phương án bồi thường và các thủ tục kiểm kê tài sản, chi trả đền bù. “Hội đồng bồi thường huyện và các đơn vị liên quan sẽ tập trung đối thoại với các hộ dân để sớm tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực hoàn thành phương án thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ. Dự kiến đến cuối tháng 8, huyện sẽ bàn giao mặt bằng để dự án triển khai đảm bảo tiến độ đề ra”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh khẳng định.
Trao đổi về một số vướng mắc đối với việc di dời đường điện trung áp và hạ áp liên quan đến công trình hoàn thiện lưới điện đường Nguyễn Chí Thanh và Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông, ông Nguyễn Thái Huy-chuyên viên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Công ty Điện lực Gia Lai) cho biết: Các hạng mục liên quan đến công trình, dự án này đang được gấp rút triển khai thi công nhằm nỗ lực hoàn thành trong năm 2022. Tuy vậy, đến thời điểm này, đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông còn 14 vị trí đường dây trung áp và 4 vị trí đường dây hạ áp chưa được huyện Chư Pưh bàn giao mặt bằng nên chưa thể triển khai. Còn công trình hoàn thiện lưới điện đường Nguyễn Chí Thanh đến nay đã thực hiện thi công hơn 20%. Hiện đường dây trung áp chỉ có 12 vị trí còn vướng công tác GPMB (chủ đất không đồng ý cho đào móng vì chưa đền bù, giải tỏa hành lang giao thông). “Chúng tôi đang đề nghị chủ đầu tư sớm giải quyết những vướng mắc về mặt bằng để đơn vị thi công sớm hoàn thành khối lượng công trình. Nếu giải phóng được đường dây trung thế thì đường dây hạ thế sẽ thi công rất nhanh”-ông Huy khẳng định.
Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân vốn chậm một phần là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và địa phương trong quá trình đền bù, GPMB các công trình, dự án. Việc bàn giao mặt bằng chậm đã gây rất nhiều khó khăn trong vận chuyển vật liệu, phát sinh chi phí làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Do vậy, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các địa phương liên quan cần kịp thời giải quyết, rút ngắn thời gian phê duyệt phương án, tiến hành thủ tục chi trả ngay, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu giải pháp: Sở sẽ cùng các sở, ngành, địa phương liên quan tích cực triển khai công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình và chủ động phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư dự án đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện dự án; báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng công trình, dự án. Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng công trình, dự án, trong đó nêu rõ mốc thời gian hoàn thành từng công đoạn từ lập chủ trương đầu tư đến khi thanh, quyết toán; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng.