Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1279/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh).

Xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh đã đề ra. Xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Một góc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh nguồn TTXVN

Một góc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh nguồn TTXVN

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch

Một trong những nội dung của Kế hoạch là hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch.

Cụ thể, đến năm 2025, rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Trong năm 2023, tiếp tục rà soát bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; thông báo công khai danh mục các quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh hết hiệu lực theo quy định Điều 59 Luật Quy hoạch.

Chủ động nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết) để đảm bảo duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển của tỉnh.

6 đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển Vùng, phát triển ngành

Nội dung khác của Kế hoạch là hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

Theo đó, đến năm 2025, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng xây dựng, hoàn thiện thể chế của Vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển Vùng, phát triển ngành (cả nước), trong đó có các đề án: Đề án xây dựng các cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc (Quảng Ninh); Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn; Đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản Vịnh Hạ Long; Đề án Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận Di sản Thế giới; Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới và Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh. Nghiên cứu triển khai, xây dựng hoặc phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng các đề án cơ chế chính sách phát triển, liên kết vùng gắn với lộ trình thực hiện cụ thể.

Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn

Về các chương trình, dự án để triển khai thực hiện quy hoạch, trong đó, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế (Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng-Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau); hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Về dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại ba vùng động lực của tỉnh.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.