Tám năm sau trận thắng Việt Nam 2-0 ngay trên sân Mỹ Đình tại vòng bảng, cuộc tái ngộ này họ vẫn cần đến sự trợ giúp của thần may mắn để tìm vé chung kết.
Báo chí Đông Nam Á gọi trận thắng của Philippines trước đối thủ lớn Việt Nam (VN) cách đây tám năm là thời điểm có tính bước ngoặt ở đất nước thích bóng rổ hơn bóng đá. Đó là ngày 6-12-2010, bóng đá Philippines trỗi dậy từ bóng tối với thân phận của kẻ yếu kém lâu năm và bắt đầu trở thành nặng ký thực sự ở “vùng trũng”.
Philippines khởi động chiến dịch nhập tịch ngoại binh và kêu gọi các cầu thủ con lai chơi bóng ở châu Âu về khoác áo tuyển quốc gia. Họ gây choáng váng cả khu vực khi giành chiến thắng 2-0 trước các nhà đương kim vô địch VN trên sân Mỹ Đình có hơn 40.000 khán giả. Từ đó, người Philippines tiến một bước dài ở làng bóng nhờ lọt vào bán kết lần đầu tiên trong lịch sử của họ năm 2010.
Duy có điều trong bốn lần đá các trận bán kết, Philippines đều bị loại và chưa từng ghi nổi bàn thắng nào. Mùa này họ lại vào vòng bán kết của AFF Cup và tái ngộ VN trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Không thể nói Philippines đã mạnh mẽ vượt trội từ sau năm 2010 và bây giờ trở thành đối thủ lớn của VN mà thậm chí họ phải cần đến một phép màu khác.
Philippines chứng tỏ là đội bóng rất khó chịu với lối chơi thực dụng. Ảnh: AFF NEWS |
Đơn giản là HLV Sven Goran Eriksson hiện chỉ có 18 cầu thủ, trong khi đội trưởng Phil Younghusband còn bỏ ngỏ khả năng ra sân do chấn thương phải nhập viện trận gặp Indonesia.
Thủ môn Neil Etheridge, hậu vệ trái Daisuke Sato, biên phải Palla và tiền vệ trung tâm John-Patrick Strauss đã trở lại CLB của mình. Tiền vệ sáng tạo Luke Woodland cũng đã dừng cuộc chơi sau khi gặp một chấn thương trong trận đá với Singapore.
HLV Eriksson không có nhiều cầu thủ chất lượng còn lại để lựa chọn ra sân trong đội hình xuất phát, Philippines đá bóng kiểu gì?
Rất khó cho đội chủ sân Bacolod xoay xở trong trận bán kết lượt đi ngày 2-12 sắp tới, đặc biệt là vai trò của Strauss như một linh hồn cho lối chơi của đội. Thủ môn Etheridge dù trở lại CLB Cardiff giữ thành ở giải Ngoại hạng Anh vắng mặt còn có Michael Falkesgaard khỏa lấp, còn với vị trí của Strauss là một bài toán khó cho Eriksson. Có thể ông sẽ tung ra hai tiền vệ phòng ngự Martin Steuble và Paul Mulders nhưng nó không bảo đảm cho lối chơi nhuần nhuyễn của Philippines như các trận vòng bảng.
Đá với một đội hình sứt mẻ nghiêm trọng, chủ sân Bacolod chỉ có thể dựa vào phẩm chất lớn nhất là tinh thần chiến đấu của họ.
Dĩ nhiên, người hâm mộ bóng đá Philippines vẫn có những lý do khác để tin vào cơ hội qua mặt VN dù vắng gần nửa đội hình chủ chốt. Niềm tin ấy cũng sẽ kinh ngạc như năm 2010, bóng đá Philippines đã thắng một trận đấu ở vòng bảng trên sân Mỹ Đình trước đối thủ mà họ chưa từng đánh bại trước đó.
Cho nên thầy trò Eriksson vẫn phải cần đến một “phép lạ” khác.
TẤN PHƯỚC |
Gia Huy (PLO)