Những bác sĩ nơi "đầu sóng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là tôi đang nói đến đội ngũ y-bác sĩ ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, những người nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện. Nhưng họ vẫn chỉ nhận mình là những người thầm lặng dù luôn thường trực đối mặt với những áp lực trong cuộc chiến giành giật mạng sống của bệnh nhân.

Nghề nguy hiểm

Khoa Cấp cứu luôn là một nơi đặc biệt ở bệnh viện. Ai đó đã nói rằng, khoa Cấp cứu như một xã hội thu nhỏ. Ở nơi ấy, không chỉ có máu, bông băng, những cơn đau giày xéo mà còn cả những câu chuyện mà ít người tưởng tượng được. Đó là câu chuyện về những người bác sĩ làm nhiệm vụ cứu người nhưng chính họ lại phải đối mặt với hiểm nguy. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm-Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không thể nhớ hết những lần như thế xảy ra ở khoa của mình. “Có lần, bệnh nhân miệng thì kêu la đau đớn nhưng dù đang nằm trên băng ca vẫn co chân đạp một nữ điều dưỡng của khoa ngã xuống gãy tay. Cũng có khi bác sĩ đang khám cho bệnh nhân, mà người thân có máu côn đồ, dí dao vào mạng sườn của bác sĩ đe dọa…”-bác sĩ Tâm kể.

 

Các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu luôn phải chịu rất nhiều áp lực.
Các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu luôn phải chịu rất nhiều áp lực.

Chả thế mà các bác sĩ, điều dưỡng ở đây vẫn nói nửa đùa nửa thật rằng, nghề của họ là một nghề… nguy hiểm. Tôi-người viết bài này đã “may mắn” khi có khoảng thời gian đủ dài để chứng kiến sự nguy hiểm ấy. Từ những ngày Khoa Cấp cứu chưa được mở rộng, vẫn chỉ là Phòng Cấp cứu, khi chưa có lực lượng bảo vệ và Công an túc trực, chuyện bệnh nhân hoặc người nhà quậy phá, đuổi đánh nhau, đuổi đánh cả các bác sĩ, điều dưỡng là chuyện như cơm bữa. Hiện nay, tuy đã xây dựng thành một khoa với cửa bảo vệ khép kín nhưng họ vẫn thường xuyên phải đối mặt với sự dọa nạt, chửi bới đến chính từ phía những người đang cần sự cứu giúp. Bác sĩ Tâm bày tỏ: “Làm ở khoa này, hàng ngày phải đối mặt với hàng trăm trường hợp bệnh nhân, người nhà. Mà xã hội thì có người này, người kia, đã vào bệnh viện rồi thì ai cũng hoang mang, lo lắng, tinh thần bị kích động nên chúng tôi đều thông cảm cả. Nhiều trường hợp say xỉn vào quậy phá thì cũng chỉ biết chấp nhận cười xòa thôi”.

Với người bác sĩ già này, ông luôn tâm niệm rằng, bác sĩ là cứu người và cứu người, chỉ là cứu người, tất cả những chuyện khác phải gác qua một bên. “Bác sĩ ở Khoa Cấp cứu cực lắm vì vừa chịu áp lực về chuyên môn khi phải chẩn đoán đúng bệnh, để cấp cứu rồi phân loại bệnh nhân đến các khoa mà vừa chịu áp lực về thời gian. Mỗi ca trực chỉ có 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng, trực thông từ 7 giờ đến 17 giờ với ca ngày, ca đêm thì từ 17 giờ đến 7 giờ hôm sau. Mỗi ngày trung bình có hơn 100 bệnh nhân, ngày nào đông thì hơn 150 bệnh nhân nên cả bác sĩ, điều dưỡng đều luôn chân, luôn tay không được nghỉ ngơi. Nhiều lúc đang ăn tô mì tôm mà phải bỏ dở để ra khám cho bệnh nhân, lúc xong thì mì bở rồi đành bỏ luôn”-bác sĩ Tâm nói.

Vượt qua áp lực

Nguy hiểm, vất vả là vậy nhưng với họ, tất cả đều được xua tan mỗi khi cứu được người bệnh từ “cửa tử” trở về. Bác sĩ Hoàng Đình Cư năm nay tròn 30 tuổi, 4 năm làm ở Khoa Cấp cứu, kể: Tối 21-2-2016, trong ca trực của mình, bà Nguyễn Thị Sá (89 tuổi, huyện Chư Prông) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở ngáp, tim đã ngừng đập, không đo được mạch và huyết áp. Gia đình bà Sá hoang mang bởi tính mạng của bà chỉ như “chỉ mành treo chuông”. Lúc này, bác sĩ Cư xác định bệnh nhân bị rơi vào cơn nhịp nhanh thất nên lập tức cho bệnh nhân thở oxi bằng bóp bóng, lắp monitor theo dõi đồng thời cho sốc điện tim.

Sau đó, tim bà Sá đã đập trở lại, bà dần dần hồi tỉnh. “Đến 99% khả năng bà Sá sẽ không qua khỏi, nhưng rất may người nhà đưa đến bệnh viện kịp thời chứ không chỉ trong tích tắc là không thể cứu chữa được nữa. Trong trường hợp này, nếu không phát hiện ra bệnh nhân bị nhịp nhanh thất mà không cho sốc điện, cấp cứu theo các bước bình thường thì bệnh nhân cũng sẽ chết”-bác sĩ Cư cho hay. Ngày còn trên giảng đường đại học, vì đã xác định sẽ theo chuyên ngành nội khoa, chàng sinh viên Cư không ngờ rằng một ngày mình sẽ làm bác sĩ ở Khoa Cấp cứu-nơi mọi thứ luôn ập đến bất ngờ. Anh tâm sự: “Khi làm bác sĩ cấp cứu, tôi mới thấu hiểu được hết ý nghĩa của hai từ bác sĩ như những gì đã mơ ước. Bác sĩ là cứu người và bệnh gì cũng phải cứu chứ không riêng về một chuyên khoa nào. Ở đây 4 năm, tôi thấy mình tự tin hơn hẳn, tâm lý vững vàng hơn vì luôn phải tiếp xúc với mọi chuyện có thể xảy ra”.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, tôi hỏi bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm rằng ông có tâm nguyện gì cho mình và đồng nghiệp không thì ông chỉ cười mà rằng: “Là bác sĩ, chúng tôi chỉ mong rằng ngày càng được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại để cứu chữa bệnh nhân chuẩn hơn, nhanh hơn thôi chứ cũng không biết ước mong gì”…

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

(GLO)- Dốc toàn tâm toàn lực cứu chữa cho bệnh nhân nhưng chỉ vì một vài lý do khách quan nào đấy, các bác sĩ, nhân viên y tế lại bị chính bệnh nhân hay người thân của họ hành hung. Đấy là nỗi ám ảnh mà những ai từng trải qua sẽ không thể nào quên.
Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Thấy chùm quả lạ, 5 em nhỏ đã hái và chia nhau ăn. Ngay sau khi ăn chùm quả lạ này, các em xuất hiện tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn. Quả lạ gây ngộ độc được xác định là hạt thầu dầu. Độc tố trong hạt thầu dầu được xác định rất độc, trẻ em ăn 3 – 4 quả thậm chí có nguy cơ tử vong.
Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Ban đầu chỉ từ các triệu chứng lo lắng, đau đầu nhiều, sốt cao liên tục, khó tiếp xúc, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh viêm não hiếm gặp. Bệnh nhân trải qua thời gian nằm viện, điều trị dài kỉ lục, với gần 5 tháng quyết tâm, không nản lòng của cả thầy thuốc, thân nhân đã mang lại sự hồi phục cho cô gái trẻ.
Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não là một thuật ngữ thường dùng để mô tả một nhóm các tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến vận động và sự phối hợp cơ bắp. Bại não do các tổn thương một hoặc nhiều vùng của não, thường xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi trước, trong hoặc sau sinh một thời gian ngắn hay trong thời kỳ trẻ nhỏ.
Hạ cholesterol từ bí đỏ

Hạ cholesterol từ bí đỏ

Cholesterol tích tụ nhiều trong cơ thể có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch. Dùng nước uống từ bí đỏ có tác dụng kiểm soát cholesterol.
Những thầy thuốc tận tâm với nghề

Những thầy thuốc tận tâm với nghề

(GLO)- Bằng tấm lòng thương yêu người bệnh, các cán bộ y tế xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) đang ngày ngày cần mẫn giúp đồng bào nghèo nơi đây xua đuổi bóng ma bệnh tật và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân.