(GLO)- Trót mang trong mình căn bệnh suy thận mãn tính, nhiều người phải gắn bó với máy chạy thận nhân tạo cả đời. Không chỉ sức khỏe của bản thân suy giảm, tinh thần suy kiệt mà kinh tế gia đình cũng kiệt quệ vì phải lo chăm sóc, thuốc thang cho người bệnh. Chính vì vậy, trong ánh mắt mỗi bệnh nhân trót mang trong mình căn bệnh quái ác trên đâu đâu cũng chỉ thấy chất chứa những nỗi buồn sâu thẳm…
Khó khăn chồng chất vì… chạy thận
Không phải ngẫu nhiên mà những bệnh nhân suy thận mãn đang phải chạy thận tại phòng lọc thận nhân tạo (Khoa Nội-Trung tâm Y tế TP. Pleiku) mà tôi gặp đều là những bệnh nhân nghèo. Thật ra, nhiều người trong số họ đã từng có kinh tế khá giả nhưng căn bệnh suy thận mãn quái ác đã cướp đi của họ nhiều thứ. Từ là lao động chính trong gia đình, họ phải sống phụ thuộc vào người khác vì sức khỏe suy giảm, không thể lao động nặng; kinh tế gia đình dần dần rơi vào bế tắc…
Các bệnh nhân chạy thân nhân tạo tại Khoa Nội-Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Ảnh: N.N |
Gắn bó với phòng lọc thận nhân tạo-Trung tâm Y tế TP. Pleiku từ lúc đi vào hoạt động (năm 2010 đến nay), bệnh nhân Nguyễn Văn Tâm (tổ 5, phường Trà Bá, TP. Pleiku) là một trong những bệnh nhân đầu tiên chạy thận tại đây. Đều đặn một tuần 3 lần, ông lại lên đây để chạy thận nhân tạo. Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, ông Tâm cho biết: Trước đây gia cảnh cũng bình thường tuy không khá giả nhưng hai vợ chồng, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn chịu khó tằn tiện cũng đủ sống và nuôi các con ăn học. Tui là lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên từ ngày phát bệnh (năm 2005 đến nay), sức khỏe suy giảm nhiều, mọi công việc gia đình đều do vợ gánh vác. Để chữa bệnh, tài sản trong gia đình cứ vơi đi dần dần…
Trước đây, do tỉnh chưa triển khai chạy thận nhân tạo nên ông Tâm và vợ phải vào TP. Hồ Chí Minh hay xuống Bình Định để chữa bệnh. Chi phí khám-chữa bệnh nhiều năm trời khiến gia đình ông trở thành hộ nghèo lúc nào không hay. Năm 2010, Trung tâm Y tế TP. Pleiku triển khai chạy thận nhân tạo, gánh nặng về chi phí đi lại khám-chữa bệnh đã được giảm bớt. Tuy nhiên dù được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho người nghèo nhưng trung bình một tháng gia đình ông Tâm cũng phải tốn từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng để mua thêm thuốc men ngoài danh mục BHYT quy định…
Cũng chạy thận 1 tuần 3 lần như ông Tâm và cũng đã được cấp thẻ BHYT dành cho người nghèo, được hỗ trợ 100% chi phí khám-chữa bệnh nhưng ông Nguyễn Bá Lộc (sinh năm 1943, 06 đường Bà Triệu, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) vẫn gồng gánh nhiều khoản chi khác. 3 năm chạy thận cũng là 3 năm trời vợ chồng ông phải ở trọ gần Trung tâm Y tế TP. Pleiku để tiện bề chữa bệnh. Nhiều lúc nhớ quê, nhớ con cháu tuy đường về nhà không xa nhưng sức khỏe yếu nên thành ra cũng là một vấn đề. Nhiều lúc tủi thân hai vợ chồng chỉ biết lặng lẽ khóc. Ông kể: “Để tiện bề chữa bệnh hai vợ chồng phải thuê nhà trọ ở. Tiền thuê nhà trọ 1 triệu đồng/tháng, tiền ăn uống của hai vợ chồng cũng ngót gần 2 triệu đồng/tháng; rồi tiền thuốc men phát sinh cũng tầm 2 triệu đồng… Khoảng tiền này, nếu không nhờ các con đóng góp mỗi đứa một ít hàng tháng thì không biết lấy đâu ra để chữa bệnh. Nhiều lúc nghỉ tủi thân và thấy thương các con lắm…”.
Mong sự sẻ chia…
Hầu hết những bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Khoa Nội-Trung tâm Y tế TP. Pleiku đều là những bệnh nhân nghèo. “Mà nếu không nghèo thì căn bệnh quái ác này cũng khiến cho người khá giả trở thành người nghèo khó và người nghèo khó thì trở nên kiệt quệ…”-một bác sĩ cảm thán khi nói về những bệnh nhân mắc phải căn bệnh suy thận mãn tính đang chạy thận nhân tạo. Cũng có lẽ vì thấu hiểu cho hoàn cảnh và nỗi khổ của các bệnh nhân tại đây mà hầu hết y-bác sĩ đều tận tình chăm sóc, không vụ lợi hay đòi hỏi điều gì. Những bệnh nhân cũng xem các y-bác sĩ như người thân quen trong gia đình.
Bác sĩ Lê Thị Thúy Anh-Phó Trưởng khoa Nội-Trung tâm Y tế TP. Pleiku cho biết: Phòng lọc thận nhân tạo đi vào hoạt động từ năm 2010. Ban đầu chỉ có 2 máy lọc thận nhưng đến nay đã được trang bị 7 máy lọc thận nhân tạo. Trung bình một ngày đáp ứng cho khoảng 28 ca chạy thận nhân tạo. Về thuốc men đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho bệnh nhân. Khoa Nội hiện có 6 bác sĩ, 6 điều dưỡng… bệnh nhân đông, công việc nhiều nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức để phục vụ bệnh nhân chu đáo…
Nói về các y-bác sĩ tại đây, ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: Các y-bác sĩ tại đây tận tình chăm sóc cho bệnh nhân nên phần nào giúp cho bệnh nhân đỡ mặc cảm vì bệnh tật và an tâm chữa bệnh. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ 100% chi phí khám-chữa bệnh vì có thẻ BHYT dành cho người nghèo nhưng nhiều thuốc men không có trong danh mục thuốc BHYT chi trả khiến người nghèo chúng tôi rất khó khăn… Rất mong Bộ Y tế xem xét để chúng tôi có điều kiện khám-chữa bệnh…
*
Trong suốt cuộc trò chuyện với những bệnh nhân suy thận mãn, nhiều lần tôi nghe rõ tiếng thở dài buồn bã của họ. Duy chỉ một lần hiếm hoi tôi nhìn thấy niềm vui trong mắt bệnh nhân Nguyễn Văn Tâm (tổ 5, phường Trà Bá, TP .Pleiku) đó là khi ông nhắc về hai đứa con đang theo học tại Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để ông tiếp tục sống và vượt qua bệnh tật.
Như Nguyện