(GLO)- Thời gian gần đây, thị trường thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản liên tục tăng. So với đầu năm 2013, thức ăn chăn nuôi tăng từ 24% đến 41% tùy theo từng loại khiến người chăn nuôi không khỏi lo âu trong khi giá bán gia súc, gia cầm đều giảm làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ, lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì... nợ”.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, từ đầu năm 2013 đến nay, giá thức ăn gia súc tăng 2, 3 đợt. Thức ăn thủy sản cũng liên tục tăng khiến cho người chăn nuôi nhất là chăn nuôi theo quy mô trang trại gặp rất nhiều khó khăn. Đối với thức ăn nuôi trồng thủy sản tăng gần 2.000 đồng/kg. Hiện loại thức ăn cho cá bán trên thị trường loại 22% đạm có giá 6.800 đồng/kg; loại 26% đạm có giá từ 7.300 đồng đến 8.000 đồng/kg tùy từng đại lý phân phối.
Ảnh: Đức Thụy |
Riêng một số loại thức ăn siêu đậm đặc dạng bột (dành cho heo con, cá giống) lên đến 20.000 đồng-23.200 đồng/kg (tương đương 500.000 đồng-580.000 đồng/bao 25 kg). Bà Huỳnh Thị Lan-xã Biển Hồ, TP. Pleiku-chủ trang trại chăn nuôi heo cho biết: “So với đầu năm giá thức ăn tiếp tục tăng cao trong khi giá sản phẩm chúng tôi làm ra lại hạ. Cứ đà này thì người chăn nuôi chắc chắn sẽ bị thua lỗ và có khả năng không còn vốn để tái sản xuất”.
Còn ông Nguyễn Xuân Thành- quản lý trại chăn nuôi gia súc tại thôn 1, xã Biển Hồ, TP. Pleiku (Công ty cổ phần Green Feed-Thái Lan) không khỏi lo âu: Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn cho đầu ra của sản phẩm, trong khi đó giá cả đầu vào và thức ăn chăn nuôi gia súc lại tiếp tục “leo thang”. Theo giá thị trường hiện nay loại heo 100 kg, bán 3-4 triệu đồng.
Nếu trừ chi phí mua giống gần 1 triệu đồng, thức ăn 2 triệu đồng, công chăm sóc, thuốc điều trị… coi như bị lỗ. Những hộ nuôi heo quy mô trang trại thì chi phí đầu vào 100% các loại thức ăn công nghiệp. Theo chủ một số trang trại, hầu hết người chăn nuôi quy mô lớn hiện nay đều mua nợ cám của đại lý, khi xuất bán mới hoàn nợ. Vì thế chi phí lãi suất trong tiền thức ăn cũng tăng lên.
Diễn biến thị trường thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tác động trực tiếp và ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi quy mô trang trại. Đối với các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ, việc thức ăn chăn nuôi không tác động lớn nhưng cũng làm cho họ khốn đốn. Người chăn nuôi phải tìm các nguồn thức ăn sẵn có để thay thế. Chị Trần Thị Hương-thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) chia sẻ: Tôi nuôi heo để tăng thu nhập nuôi con ăn học, cải thiện đời sống. Từ đầu năm đến nay khi thức ăn gia súc liên tục tăng, tôi mua bắp, mì và rau xanh trộn với thức ăn công nghiệp để giảm chi phí chứ nuôi heo chủ yếu bằng thức ăn công nghiệp sẽ không có lời, thậm chí bị lỗ.
Trong tình trạng chi phí đầu vào, thức ăn cho ngành chăn nuôi lại tăng cao, để có lãi người chăn nuôi bắt buộc phải tính đến các yếu tố đầu vào. Cần chọn loại giống tốt, hạn chế tối đa con giống bị bệnh. Từ đó, chủ trang trại chăn nuôi sẽ giảm được chi phí điều trị bệnh và rút ngắn được thời gian nuôi. Thực hiện chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học-mô hình chăn nuôi gần như an toàn tuyệt đối, phòng-chống dịch bệnh hiệu quả nhất hiện nay hạn chế dịch bệnh có thể xảy ra nhằm tăng giá trị sản phẩm.
Mặt khác, người chăn nuôi cũng cần tận dụng các sản phẩm nông nghiệp như bắp, mì trộn với thức ăn công nghiệp đảm bảo đầy đủ hàm lượng đạm, hạ giá thành chăn nuôi nhưng gia súc, gia cầm vẫn tăng trọng tốt.
Anh Khoa