(GLO)- Từ những kết quả khả quan đạt được giai đoạn 2011-2015, ngành Công thương Gia Lai đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, xuất khẩu trong giai đoạn 2016-2020.
Nhiều kết quả khả quan
Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng của các hoạt động từ công nghiệp, thương mại đến xuất khẩu đều đạt khá và tương đối ổn định. Trong đó, ngành công nghiệp ghi dấu nhiều thành công, nhất là trong lĩnh vực sản xuất đường và tinh bột mì. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của 2 lĩnh vực này đều đạt trên 30%. Đây cũng được xem là giai đoạn thành công lớn của hoạt động thương mại khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 24,04%. Hoạt động xuất khẩu cũng khá ấn tượng, trong đó, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay với 620 triệu USD (tăng gấp 2 lần so với năm 2013).
Thu hoạch mủ cao su. Ảnh: Quang Vũ |
Song song với việc hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, công tác phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại trên địa bàn cũng được quan tâm. Hiện toàn tỉnh có 11 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích là 297,42 ha. Trong đó, 5 CCN đã đi vào hoạt động gồm: CCN Diên Phú (TP. Pleiku), CCN Ia Khươl (huyện Chư Pah), CCN Đak Djrăng (huyện Mang Yang) và CCN tập trung Kông Chro với tổng diện tích 175,41 ha, thu hút 18 dự án đầu tư. Hệ thống siêu thị và chợ cũng phát triển mạnh với 13 siêu thị và 88 chợ hoạt động. Trong đó có 2 chợ hạng I, 8 chợ hạng II và 78 chợ hạng III. Nhiều chợ xây kiên cố và bán kiên cố.
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng
Bước sang năm 2016, bối cảnh tình hình kinh tế trong nước nói chung, Gia Lai nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su… vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với quyết tâm tạo bước “đột phá, tăng tốc” cho ngành Công thương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, trong giai đoạn 2016-2020, Sở Công thương Gia Lai đã xây dựng một lộ trình hoạt động với hàng loạt định hướng mang tính chiến lược, cùng những chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực và các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành Công thương phát triển.
Một trong những lĩnh vực được quan tâm đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới là xuất khẩu. Gia Lai là tỉnh có tiềm lực khá mạnh về sản xuất nông sản với gần 120.000 ha cao su, 79.000 ha cà phê, 13.000 ha hồ tiêu và 38.000 ha mía đường… Nhưng trên thực tế, sản lượng xuất khẩu từ các sản phẩm trên vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, giá cả khá bấp bênh và quá phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống... Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, ngành Công thương đặt mục tiêu nâng tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở lĩnh vực xuất khẩu lên 15,24% (tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015).
Với sản xuất công nghiệp, ngành Công thương phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 8,1% và nâng giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến năm 2020 đạt 22.461 tỷ đồng. Tương tự, mục tiêu phấn đấu về tốc độ tăng trưởng bình quân đối với hoạt động thương mại, dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 80.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Về những giải pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu trên, ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho rằng: Ngành Công thương sẽ bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và các quy hoạch của tỉnh, của ngành để làm định hướng phát triển. Trong đó, ngành sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng tăng trưởng các sản phẩm có lợi thế và tiềm năng; thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và bán hàng trên thị trường nội địa, góp phần tiêu thụ sản phẩm, mở rộng phát triển các hình thức thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Lê Lan