Nàng tiên cá có gì mà du khách đến Đan Mạch phải ghé thăm?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bức tượng Nàng tiên cá ở Copenhagen có thực sự đáng để ghé thăm hay không là câu hỏi được lặp đi lặp lại cả trăm năm.

Trả lời câu hỏi này, cần xác định bạn có phải là fan hâm mộ truyện cổ tích Nàng tiên cá hay "fan cuồng" của bộ phim cùng tên được làm đi làm lại nhiều lần. Hoặc buộc phải check-in điểm đến để khoe với mọi người?

Nếu bạn nói không thì câu trả lời là nơi này không đáng giá để ghé thăm, cho dù bức tượng là một phần không thể thiếu của thủ đô Copenhagen, hay rộng hơn là của cả đất nước Đan Mạch.

Nàng tiên cá với gương mặt buồn bã nhìn xa xăm bên bờ đá. Ảnh: NT TÂM

Nàng tiên cá với gương mặt buồn bã nhìn xa xăm bên bờ đá. Ảnh: NT TÂM

Còn nếu bạn đã từng mê say bài hát Nàng tiên cá, chuyện tình yêu cổ tích đẫm nước mắt, hay những thước phim Disney hư ảo, thì nhất định phải ghé thăm.

Trong hơn 100 năm, bức tượng nhỏ bằng đồng nhìn ra biển này là một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của Copenhagen. Bức tượng Nàng tiên cá được dựng dựa trên câu chuyện cổ tích cùng tên xuất bản năm 1837 của nhà văn Hans Christian Andersen.

Bức tượng nhỏ bé nhưng hàng ngày thu hút đông đúc du khách. Ảnh: NT TÂM

Bức tượng nhỏ bé nhưng hàng ngày thu hút đông đúc du khách. Ảnh: NT TÂM

Đó là cuộc hành trình của Nàng tiên cá trẻ tuổi đem lòng yêu chàng hoàng tử và muốn có được linh hồn con người. Truyện phá vỡ các chuẩn mực của hình thức văn học bằng cách kể một câu chuyện bi thảm với một kết thúc có hậu.

Được trẻ em trên toàn thế giới yêu thích, câu chuyện là sáng tác được biết đến nhiều nhất của Andersen, mặc dù tác phẩm điêu khắc nổi tiếng và bộ phim hoạt hình Disney năm 1989 đóng vai trò quan trọng trong việc khiến cho câu chuyện trở nên nổi tiếng hơn.

Không giống như tượng Chúa cứu thế ở Rio de Janeiro hay tượng Nữ thần Tự do của New York, tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng của Copenhagen rất nhỏ. Chỉ cao khoảng 1,25m, tầm vóc nhỏ bé của tác phẩm khiến nhiều du khách ngạc nhiên.

Nhiều du khách còn đi thuyền để được ngắm Nàng tiên cá từ ngoài khơi. Ảnh: NT TÂM

Nhiều du khách còn đi thuyền để được ngắm Nàng tiên cá từ ngoài khơi. Ảnh: NT TÂM

Tượng được đặt trên một tảng đá ven bờ biển ở con đường đi bộ Langelinie, là địa điểm đi bộ nổi tiếng của người dân Copenhagen, trải dài giữa bờ biển Øresund và tòa thành Kastellet.

Nằm gần bến phà DFDS từ Oslo và bến cảng dành cho các tàu du lịch nhỏ hơn, bức tượng thường được bao quanh bởi đám đông khách du lịch muốn có được một bức ảnh chứng minh mình đến Đan Mạch.

Nàng tiên cá đã ở vị trí này trong hơn 100 năm. Tuy nhiên, năm 2010, bức tượng tạm thời được chuyển đến Thượng Hải để trưng bày trong gian hàng Đan Mạch tại Expo 2010. Đó là lần duy nhất, Nàng tiên cá "xuất ngoại".

Bức tượng đã ở vị trí này hơn 1 thế kỷ. Ảnh: NT TÂM

Bức tượng đã ở vị trí này hơn 1 thế kỷ. Ảnh: NT TÂM

Bộ phim Nàng tiên cá của Disney vừa được làm lại gây tranh cãi dữ dội liên quan diễn viên da màu đóng vai Nàng tiên cá.

Đó là câu chuyện về Nàng tiên cá nhỏ 15 tuổi đã cứu sống một hoàng tử bị đắm tàu và bắt đầu cuộc hành trình đầy nguy hiểm để giành được tình yêu. Cái giá mà cô phải trả rất đắt: Để trở thành con người, cô phải từ bỏ giọng hát đáng yêu cũng như chiếc đuôi tiên cá của mình, và nếu hoàng tử lấy người khác, cô sẽ biến thành bọt biển và biến mất mãi mãi. Phiên bản Disney một kết thúc có hậu, nhưng câu chuyện thực sự kết thúc bi thảm khi Nàng tiên cá nhỏ không còn lấy được hoàng tử của mình và biến thành bọt biển tan vào khơi xa.

Đó là lý do bức tượng thể hiện một gương mặt buồn bã, u sầu.

Du khách đến thăm Nàng tiên cá và ra về, xung quanh không có bất kỳ cửa hàng buôn bán vật phẩm lưu niệm hay nhà hàng quán ăn. Ảnh: NT TÂM

Du khách đến thăm Nàng tiên cá và ra về, xung quanh không có bất kỳ cửa hàng buôn bán vật phẩm lưu niệm hay nhà hàng quán ăn. Ảnh: NT TÂM

Tại sao lại có tượng Nàng tiên cá ở Copenhagen?

Đó là vào năm 1909, người sáng lập hãng bia Carlsberg, Carl Jacobsen đã tham dự vở ba lê Nàng tiên cá dựa trên câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen. Ông rất ấn tượng nên đã nhờ Edvard Eriksen, một nhà điêu khắc người Đan Mạch tạo ra bức tượng Nàng tiên cá.

Edvard Eriksen ra mắt công chúng bức tượng bốn năm sau vào tháng 8.1913 tại bến cảng như một phần trong sáng kiến của thành phố nhằm trang trí các công viên và khu vực công cộng bằng những nhân vật cổ điển và lịch sử. Kể từ đó, ngày 23.8.1913 được chọn làm ngày sinh nhật của Nàng tiên cá.

Du khách xếp hàng để chụp ảnh. Ảnh: NT TÂM

Du khách xếp hàng để chụp ảnh. Ảnh: NT TÂM

Cho đến ngày nay, Nàng tiên cá là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở Đan Mạch. Đây cũng là một trong những bức tượng được chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới.

Trên thực tế, Nàng tiên cá ở Copenhagen là một bản sao; những người thừa kế của nhà điêu khắc giữ bản gốc ở một địa điểm không được tiết lộ. Vì vậy, những gì bạn thấy ở Copenhagen không phải là bản thật.

Điểm đến nổi tiếng nhất Đan Mạch này hoàn toàn miễn phí vé tham quan. Ảnh: NT TÂM

Điểm đến nổi tiếng nhất Đan Mạch này hoàn toàn miễn phí vé tham quan. Ảnh: NT TÂM

Hai người phụ nữ đã được lấy làm hình mẫu để tạo nên bức tượng Nàng tiên cá. Phần đầu được mô phỏng theo nữ diễn viên ba lê Ellen Price. Nhưng cơ thể được mô phỏng theo vợ của nhà điêu khắc Eline Eriksen do Price không đồng ý làm người mẫu khỏa thân.

Có thể bạn quan tâm