(GLO)- Bị đau mắt đỏ gần cả tuần không khỏi, chị Nguyễn Thị Thương (hẻm Lê Lợi, tổ 13, phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã tìm đến bác sĩ chuyên khoa điều trị và uống thuốc, nhỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ. “Tôi khỏi bệnh thì đến em tôi cũng bị đau mắt đỏ. Vì cùng một bệnh là đau mắt đỏ, liệu tôi có thể áp dụng toa thuốc mà bác sĩ kê cho mình để em tôi dùng được không?-chị Thương thắc mắc.
Thắc mắc của chị Thương đã được Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Dũng-Trưởng khoa Mắt (Trung tâm Phòng-chống bệnh xã hội) giải đáp: “Trường hợp này, em chị có thể dùng nước mắt nhân tạo để nhỏ mắt giúp bệnh nhân đỡ cộm, xốn, ghèn hoặc có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt. Tuy nhiên về những loại thuốc kháng sinh uống mà bác sĩ đã kê cho chị thì không nên dùng cho em chị, vì tùy theo cơ địa mỗi người khác nhau mà bác sĩ có chỉ định liều lượng kháng sinh khác nhau. Bên cạnh đó, kháng sinh nhỏ mắt kèm theo những chất chống viêm chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt vì có những tác dụng phụ, bệnh nhân không nên tự ý dùng”.
Ảnh minh họa |
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Dũng, viêm kết mạc cấp hay còn gọi là đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… Biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ là mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, cộm như có cát, mắt nhiều ghèn, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều ghèn dính chặt; mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt…
Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có thể nhỏ mắt bằng nước mắt nhân tạo hay nước muối sinh lý, tuy nhiên nếu trong khoảng 3-5 ngày bị bệnh mà triệu chứng không thuyên giảm thì cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị đúng cách tránh để bị những biến chứng nguy hiểm có thể làm giảm thị lực sau này như viêm giác mạc chấm, viêm giác mạc sợi…
“Bệnh đau mắt đỏ dễ lây nên rất dễ bùng phát thành dịch. Bệnh lây khi người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều vi rút; cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh; dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối; sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh…. Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; không dùng chung khăn, gối, chậu rửa mặt… của người bệnh; không dùng tay dụi mắt, có thể vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt... Trẻ em khi bị đau mắt đỏ cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây cho các trẻ khác”- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Dũng khuyến cáo.
Như Nguyện