Một đời du ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhạc sĩ Trần Tiến - “gã du ca” đã sống, viết nhạc và rong ruổi trên bao nhiêu cung đường trong suốt hơn 50 năm đi và hát của mình. Hành trình ấy được gói ghém trong 80 phút phim tài liệu âm nhạc Màu cỏ úa, dù chưa thể trọn vẹn nhưng cảm xúc đong đầy.

Thăng hoa

“Màu cỏ úa tạo cảm xúc không chỉ bởi âm nhạc mà còn ở khí phách, sự lãng tử, ngông nghênh của người nghệ sĩ lớn. Xem phim, mình cứ nghĩ đến bố mình, những người lớn lên trong chiến tranh, lớn lên trong bão tố luôn có sự hào sảng, nghĩa khí và chân thành”, khán giả Quỳnh Nguyễn đã để lại những lời chia sẻ sau suất chiếu đầu tiên bộ phim.

Màu cỏ úa, có thể nói là sự tóm lược có chọn lọc về hành trình đặc biệt của một trong những tượng đài âm nhạc đương đại Việt. Với ông, âm nhạc chính là lẽ sống. Âm nhạc tựa như hơi thở và những người du ca như ông là “người tự do và dũng cảm nhất”.

 

 Nhạc sĩ Trần Tiến trong những chuyến du ca 3 miền đất nước. Ảnh: ĐPCC
Nhạc sĩ Trần Tiến trong những chuyến du ca 3 miền đất nước. Ảnh: ĐPCC


Ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, giữa bộn bề cơm, áo, gạo, tiền, âm nhạc của Trần Tiến vẫn được cất lên theo cách riêng. Chất riêng của Trần Tiến rất đời, trần trụi nhưng đầy lãng mạn và thăng hoa. Ông có thể hát mọi lúc, mọi nơi, trên sân khấu lộng lẫy, nóc cầu Long Biên, trên một bè cá, giữa vỉa hè đông người qua lại, trong một quán nhậu, hay trên những chiếc xe bon bon trên đường… Với ông, chỉ cần khán giả sẵn lòng nghe mình hát là quá đủ.

Màu cỏ úa còn mang đến trải nghiệm đặc biệt. Có lẽ, hiếm có bộ phim nào khi từng khung hình trôi trên màn ảnh rộng, âm nhạc cất lên, khán giả bên trong khán phòng nhất loạt hòa giọng. Những sáng tác nổi tiếng của ông lại vang lên: Mặt trời bé con, Sắc màu, Tạm biệt chim én, Điệp khúc tình yêu, Ngẫu hứng phố, Vết chân tròn trên cát, Dòng sông mùa thu, Về đi em, Thành phố trẻ, Ngẫu hứng sông Hồng…

Mang đến bức tranh tổng thể nhưng phim vẫn tạo điểm nhấn, đặc biệt những nơi nhạc sĩ từng gắn bó là Hà Nội, Quảng Bình, Vũng Tàu… Khán giả được gặp lại những tên tuổi lẫy lừng của nhạc Việt: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Cường với mối tri âm và những lương duyên đặc biệt cùng Trần Tiến. Đó là khoảnh khắc giữa lòng Hà Nội, bên cốc “bia hơi vỉa hè”, ông cất cao tiếng hát cùng những người bạn tâm giao.   

Nhưng, có lẽ đặc biệt hơn cả là khi bác Trần Cường, người bạn một thời chiến đấu của ông xuất hiện cùng “ngôi nhà cây me”, bối cảnh mà nhạc sĩ Trần Tiến đã vỡ òa khi thấy vì nó quá giống với những gì ông viết trong Mặt trời bé con. Và có cả những dòng tâm sự đầy xúc động của Trần Xuân Nhật Vy, con gái nhạc sĩ, người sau bao năm rong ruổi xứ người đã quyết định “về vui yên ấm nơi quê nhà”.

 


"Chỉ nhìn những thước phim vất vả quay được và những tư liệu quý mất công sưu tầm, cùng với tựa phim Màu cỏ úa đã làm tôi thấy mình quá hạnh phúc. Một người của thế hệ 9X rung động với Màu cỏ úa của thế hệ 4X chúng tôi - những đứa học trò lớn lên trong chiến tranh thì còn gì tự hào bằng".

    Nhạc sĩ TRẦN TIẾN 



Không phải bộ phim ngợi ca

“Tại sao không phải là Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én…, là những ca khúc chỉ nghe là đã biết đó là âm nhạc Trần Tiến. Tôi đã loay hoay với rất nhiều cái tên trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng”, nữ đạo diễn 9X Lan Nguyên cho biết.

Khi đọc cuốn sách Ngẫu hứng của nhạc sĩ Trần Tiến, cô rất nhớ chi tiết người đồng đội của nhạc sĩ khi về trong giấc mơ vẫn mặc áo lính. Màu cỏ úa xuất hiện từ đó và mang 3 ý nghĩa. Đó là màu áo lính, là “một màu xanh xanh chấm thêm vàng vàng” (câu hát trong bài Sắc màu) khi pha thành màu cỏ úa, và đó còn là màu của sự tàn phai bởi theo quy luật cuộc sống, cái gì cũng đến lúc úa tàn.  

Lan Nguyên mất đến 5 năm, với 15 đợt quay để hoàn thành bộ phim và có những lúc đã mất phương hướng. Cô chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là tôi không học về điện ảnh. Tôi đã loay hoay rất nhiều, đi mượn máy quay, tìm người đồng hành khiến phim kéo dài lâu đến vậy”. Không khó để nhận ra là bộ phim vẫn còn hạn chế về mặt kỹ thuật khiến đôi chỗ, mạch phim và những khung hình còn chệch choạc.   

Nói về chất du ca của bộ phim, nữ đạo diễn Lan Nguyên cho biết: “Khi tôi trao đổi với chú, chú đặt cho nhóm cái tên “Du côn ca”. Chú cũng bảo, nội chuyện chúng tôi trốn việc, không một xu dính túi, không biết một cái gì hết mà dám đi làm phim về chú đã là tinh thần đáng quý. Tôi nghĩ sự liều lĩnh, dám làm, dám xả thân đó là một phần tính cách của những người du ca. Ngay cả cách chúng tôi tiếp cận bộ phim không gò bó, không kịch bản và không ép chú phải nói cái này hay cái kia”.

Toàn bộ không gian của Màu cỏ úa để dành cho âm nhạc và những người yêu nhạc của ông. Đạo diễn Lan Nguyên cũng cho rằng, cô không muốn làm bộ phim để ngợi ca người nghệ sĩ nổi tiếng hay nói về những góc khuất, những điều chưa kể, mà đó đơn giản chỉ là góc nhìn của những người trẻ về một người nhạc sĩ đi trước, để trân trọng và tri ân.

Theo VĂN TUẤN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Rapper Việt bị đè bẹp

Rapper Việt bị đè bẹp

Một năm qua, rap trên thị trường nhạc Việt vượt trội về số lượng sản phẩm và những dự án quy mô lớn như EP, album và mixtape. Dù vậy, so với các năm trước, rap đã giảm nhiệt.