Thực hiện lời dạy của Bác đối với cán bộ làm công tác dân vận: 'Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm', gần 60 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP công tác tại địa bàn Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sống cùng dân, tận tụy chăm lo đời sống cho dân ở khu vực biên giới, nhất là đồng bào dân tộc ít người.
Lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, một trong những yếu tố không thể thiếu để chiến thắng mọi kẻ thù chính là chiến lược “tận dân vi binh” (mỗi người dân là một chiến sĩ) và "bách tính giai binh" (trăm họ là binh). Nghĩa là, để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới, ngoài xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy, cần huy động sức mạnh, trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội.
Quân y BĐBP Đắk Lắk khám, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: Ngọc Lân |
Tôi đến nhà Y Vôn (thôn SarPa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil) đúng lúc anh vừa ở trên rẫy về. Đi cùng tôi, Đại úy Lang Văn Năm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thuận An, BĐBP Đắk Nông nhanh miệng hỏi: “Trên biên giới hôm nay có gì không?”. Y Vôn trả lời, “không sao hết, mọi thứ đều bình thường”. Quay sang tôi, Đại úy Năm nói: “Nhà Y Vôn có miếng đất rẫy ở trên biên giới. Khi biết vị trí xây cột mốc quốc giới nằm trong đất nhà mình, Y Vôn đã đến đồn Biên phòng nhờ hướng dẫn hiến phần đất đó. Y Vôn còn nói, “cần bao nhiêu đất để phục vụ việc phân giới cắm mốc, gia đình cũng sẵn sàng...”. Người dân xã Thuận An thấy từ ngày xây cột mốc, Y Vôn chăm lên rẫy hơn, vừa làm rẫy vừa bảo vệ cột mốc. Ngày nào BĐBP đi tuần tra cũng gặp Y Vôn ở trên đó. Có tin gì, việc gì nghi vấn anh đều báo cho đơn vị biết... Tôi khen Y Vôn giỏi, còn nhỏ tuổi, chưa lấy vợ mà đã biết hy sinh vì việc chung. Y Vôn cười, nói: “Bình thường thôi. Ở đây có nhiều người cũng làm như mình. Bảo vệ biên giới là việc của toàn dân mà. Các chú, các anh Biên phòng ở các tỉnh xa, từ ngoài Bắc còn vô đây để giữ đất cho dân làng mình, sao người làng không ủng hộ cho bộ đội chứ!”.
Đại úy Năm bổ sung: Ở xã Thuận An, ngoài hộ Y Vôn, còn có 12 hộ tự nguyện hiến đất để BĐBP làm đường tuần tra, xây cột mốc biên giới, cần bao nhiêu đất họ đều ủng hộ, không đòi hỏi quyền lợi gì hết.
Trao đổi với chúng tôi về phong trào hiến đất phục vụ việc phân giới, xây cột mốc, Thượng tá Phan Quý Vỹ, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Nông nói: “Rất nhiều hộ dân trong địa bàn có rẫy dọc theo đường biên giới. Khi triển khai phân giới, cắm mốc, vấn đề nan giải nhất được đặt ra là làm sao thuyết phục người dân hiến đất, làm cách nào để các hộ dân không đòi tiền đền bù? Nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới hiểu được tấm lòng, sự ủng hộ cách mạng của nhân dân. Mình làm đến đâu, dân ủng hộ tới đó, không so đo, tính toán”. Trong quá trình phân giới cắm mốc ở Đắk Nông, có trên 300 hộ dân ở 7 xã biên phòng tự nguyện hiến đất, giúp công lao động. Để có được điều đó, theo Thượng tá Phan Quý Vỹ là do dân tin, dân yêu BĐBP.
Tùy điều kiện, đặc điểm của từng vùng, phong trào quần chúng tham gia với BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới có khác nhau. Ở Kon Tum, Hội Cựu chiến binh; Đoàn thanh niên; Hội Liên hiệp Phụ nữ 13/13 xã biên giới của 4 huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đắk Glei đều đã thành lập Tổ tự quản đường biên, cột mốc hoặc ký kết với các đồn Biên phòng tham gia tuần tra biên giới, giữ gìn trật tự an ninh thôn, buôn.
Ở Gia Lai, nhiều già làng là thành viên tích cực tham gia với BĐBP tuần tra bảo vệ biên giới. Điển hình là già làng Siu Bình, 70 tuổi (làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ); già làng Ksor Bơng, 75 tuổi (làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai); nữ già làng Ksor H’Lâm, 72 tuổi, ở xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông... Bằng sự hiểu biết, uy tín của mình, nhiều già làng đã có nhiều đóng góp, phối hợp với BĐBP vận động, tuyên truyền để người dân không vượt biên, không tiếp tay cho kẻ xấu, nhất là các phần tử cơ hội chính trị.
Từ “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, đến “dân sẽ ủng hộ” là cả một chặng đường dài đầy gian truân, cực khổ. Nhưng bằng cả tấm lòng, trách nhiệm, BĐBP cả nước nói chung và tuyến Tây Nguyên nói riêng đã làm được. Dân tin, dân yêu, dân ủng hộ là yếu tố cơ bản để giữ vững biên cương, bờ cõi.
Cùng với việc xây “cột mốc lòng dân”, thời gian gần đây, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên còn tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Qua đó, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với địa phương xây dựng được 136 Tổ tự quản đường biên, cột mốc; 352 Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, buôn, bon với hàng ngàn người tham gia. Ngoài ra, còn có hàng ngàn gia đình, tập thể ký kết cùng BĐBP tham gia quản lý, bảo vệ tốt đường biên, mốc quốc giới, chấp hành quy chế biên giới, quy định về an ninh, trật tự của từng thôn, bon.
Tại Đắk Lắk, BĐBP đã phối hợp với địa phương xây dựng được 107 Tổ tự quản an ninh trật tự; có 52 tập thể, 2.100 gia đình, 3.443 cá nhân đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; có 3.290 hộ ký cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội. Điểm nổi bật nhất của BĐBP Đắk Lắk là làm tốt công tác đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Không chỉ thường xuyên tổ chức các buổi hội đàm, trao đổi theo định kỳ hay tuần tra chung trên biên giới, BĐBP Đắk Lắk còn quan tâm đến việc nâng cao đời sống cho lực lượng bảo vệ biên giới của bạn. Chỉ tính riêng 2 năm 2016 và 2017, BĐBP Đắk Lắk đã hỗ trợ các đơn vị bạn đóng đối diện gần 6,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, kéo điện sinh hoạt, mua sắm các trang thiết bị, chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, đơn vị cũng đã tham mưu cho hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp tổ chức lễ kết nghĩa các xã ở hai bên biên giới, góp phần đẩy mạnh mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai bên. Chính nhờ duy trì tốt mối quan hệ đối ngoại nên việc cắm hoàn chỉnh 7 vị trí mốc quốc giới chính (bao gồm 11 cột mốc) trên tuyến biên giới của tỉnh cũng diễn ra thuận lợi, an ninh chính trị luôn ổn định.
Y Vôn (phải) chăm sóc con bò giống được BĐBP Đắk Nông tặng. Ảnh: Đăng Bảy |
Tại Đắk Nông, chỉ tính riêng năm 2017, các Tổ tự quản đã báo cho các đồn Biên phòng 849 tin, trong đó có 452 tin có giá trị. Giúp địa phương phát hiện, ngăn chặn, xử lý 38 vụ/78 đối tượng vi phạm pháp luật. Tỉnh Gia Lai có 6.979 hộ (chiếm 63,4 dân số khu vực biên giới) ký kết tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Quần chúng nhân dân đã phối hợp với BĐBP Gia Lai tuần tra 1.283 buổi/6.268 lượt người tham gia. Tại Kon Tum, nhờ chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tính đến hết quý I năm 2018, có 235 tập thể, 1.085 hộ gia đình với trên 4.200 người thuộc 13 xã biên giới đăng ký tham gia bảo vệ 277km đường biên giới và 84 mốc quốc giới. Từ nguồn tin của quần chúng, BĐBP Kon Tum đã phá nhiều chuyên án ma túy, thu giữ gần 26.000 viên ma túy tổng hợp; 37,7g ma túy đá và nhiều tang vật có giá trị khác. Nhân dân đã tự giác giao nộp cho BĐBP 202 khẩu súng tự chế.
Từng là địa bàn phức tạp về vượt biên và gây rối, gây bạo loạn, giờ đây vùng đất Tây Nguyên đang trở lại thanh bình và phát triển, chủ quyền, an ninh biên giới luôn được giữ vững, thế trận lòng dân luôn vững chắc. Đó là thành quả của sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là mong muốn, là khát khao của cộng đồng các dân tộc trên biên giới. Nhờ có sách lược đúng và luôn tận tụy với dân, những người lính quân hàm xanh nơi đại ngàn Tây Nguyên luôn được chính quyền, quần chúng nhân dân tin yêu, ủng hộ, coi là con em trong một nhà...
Đăng Bảy (Biên Phòng)