Làng triệu phú nơi vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi đến làng Tung Chúc (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) vào một buổi sáng giữa tháng 5 ngập tràn nắng. Dọc theo suốt gần 2 km đường làng trải nhựa là những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ… Thỉnh thoảng, chúng tôi lại thấy một vài chiếc ô tô được phủ bạt che nắng đang nằm ngay ngắn trong sân như nghỉ ngơi.  Đường làng vắng hoe, chỉ lác đác có vài em bé chơi đùa trước cửa nhà…

Hỏi ra mới biết, giờ này người lớn trong làng đều đang ở trong vườn cao su thu hoạch mủ. Một ngày, công việc của họ bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng (tùy theo mùa) và kết thúc vào khoảng 9, 10 giờ sau khi mọi công đoạn của việc thu hoạch mủ được tiến hành xong. Hầu hết, nhà nào trong làng Tung Chúc cũng có người làm công nhân cho Công ty 715-Binh đoàn 15.
 

Những ngôi nhà mái Thái khang trang đua nhau “mọc” lên trong làng Tung Chúc. Ảnh: Phương Linh
Những ngôi nhà  khang trang đua nhau “mọc” lên trong làng Tung Chúc. Ảnh: Phương Linh

So với 7 năm trước, khi mà làng Tung Chúc vẫn còn đa phần là hộ nghèo đói, đời sống khó khăn, chật vật lo toan từng bữa cơm lạt thì nay bộ mặt của làng đã thay đổi hoàn toàn. Làng có 125 hộ/474 nhân khẩu và 100% đều là người dân tộc Jrai. Thế nhưng khi đến làng, mọi người sẽ phải bất ngờ với việc làng không còn hộ đói, nghèo, 30% hộ trung bình khá, còn lại 70% là hộ có kinh tế khá và giàu. Những hộ giàu tại làng có mức thu nhập “khủng” từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/tháng mà nguồn thu chủ yếu của họ là từ những vườn cao su, vườn cà phê, vườn điều, cây bời lời và các loại cây hoa màu ngắn ngày.

Là một trong những “nhân vật tầm cỡ” trong làng, sở hữu một chiếc “xế hộp” được “tậu” từ năm 2010 và một ngôi nhà mái Thái khang trang xây từ năm 1999, anh Ksor Uân (SN 1977)-cũng là Trưởng thôn cười rất tươi khi nói về bản thân và ngôi làng Tung Chúc mà mình đã gắn bó từ nhỏ. Anh cho biết bây giờ ngoài làm công nhân cạo mủ cho Công ty 715 thì nhà anh còn trồng thêm 2 ha cao su, 5 ha điều. Hai vườn cây ấy hàng năm đem về nguồn thu nhập cho gia đình anh lên đến gần 500 triệu đồng. “Đi từ đầu làng đến cuối làng cũng đếm được vài chiếc ô tô đấy, còn xe tay ga là bình thường”-anh khoe thêm. Đặc biệt hơn, anh Uân cũng là “chủ nợ” cho vay không lấy lãi và không thời hạn của gần 10 hộ gia đình trong làng, có nhà vay đến 100 triệu đồng. “Mình cho vay để họ đầu tư làm vườn tược, trồng cây này cây kia kiếm thêm thu nhập. Cũng quen biết trong làng cả nên không lấy lãi và yên tâm không sợ người ta trốn nợ  đâu”-anh nói như hiểu được thắc mắc của chúng tôi.

Nhắc tới làng Tung Chúc, người ta vẫn thường hay nhắc thêm một cái tên-làng 715. Đó là cách mà mọi người ghi nhớ sự trợ giúp đắc lực của Công ty 715 đối với sự phát triển ngày nay của làng. Khi mà người dân nơi đây vẫn còn đang loay hoay tìm cách thoát nghèo trên những mảnh đất đầy cây cỏ dại thì Công ty 715 đã tiến hành tuyển chọn con em trong làng vào làm công nhân cạo mủ cho Công ty nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định cho họ. Sau đó từng bước giao vườn và chỉ dạy cách thức trồng trọt, làm giàu. Con đường làng sạch đẹp bây giờ trị giá 2 tỷ đồng được hỗ trợ đổ cấp phối của Công ty, ngôi trường mẫu giáo khang trang, đầy đủ mà con em trong làng đang theo học hàng ngày cũng được Công ty hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng. Ngoài ra Công ty cũng giúp dân làng tu sửa, hoàn thiện các công trình công cộng, công trình thoát nước… Chương trình gắn kết 86 hộ công nhân người Kinh với 86 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong làng Tung Chúc của Công ty 715 cũng đem lại những hiệu quả tích cực trong việc tạo điều kiện để các hộ gia đình giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
 

Anh Ksor Uân bên chiếc ô tô của mình. Ảnh: Phương Linh
Anh Ksor Uân bên chiếc ô tô của mình. Ảnh: Phương Linh

Đại úy Lê Ngọc Sơn-Cán bộ Chính trị phụ trách công tác dân vận của Công ty 715 cho biết: “Làng Tung Chúc gắn bó với công ty từ khá lâu, có số người tham gia lao động cho Công ty cao nhất. Đời sống của người dân trong làng ngày càng cao, có xe hơi, xe tay ga, nhà từ cấp 4 trở lên có giá trị từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng, 100% trẻ em trong làng được đến trường. Để cuộc sống của người đồng bào được khấm khá hơn, công ty cố gắng hết sức tạo điều kiện, hỗ trợ về mọi mặt. Bà con trong làng cũng có ý thức rất cao đảm bảo an ninh trật tự nơi vùng biên, chống lại các thế lực thù địch, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm