Ảnh minh hoạ
Không hề vay tiền một đồng nào tín dụng đen, nhiều người dân ở Tây Nguyên vẫn gánh một khoản nợ “từ trên trời rơi xuống” với lãi suất 40% và bị băng nhóm cho vay nặng lãi dùng nhiều biện pháp đe doạ. Các băng nhóm do bị truy quét mạnh nên đã di chuyển từ phía Bắc đi về hoạt động mạnh tại Kon Tum.
Chỉ cần gọi điện, chưa vay vẫn phải nộp ngay 500 nghìn phí tư vấn
Ngày 8.3, tại hội nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen, ông Lưu Duy Khanh, Phó chủ tịch UB Mặt trận tổ quốc tỉnh KonTum đã chỉ ra những thủ đoạn của các băng nhóm cho vay nặng lãi tại địa bàn Kon Tum.
Kì lạ ở chỗ, có thời điểm người dân không vay đồng nào cũng phải trả nợ. Nếu người dân chỉ cần gọi điện đến các số điện thoại cho vay tín dụng đen, thì dù không đạt được thoả thuận vay, các đối tượng lập tức yêu cầu trả phí 500.000 đồng tiền công tư vấn. Nếu người dân từ chối thanh toán khoản tiền trên, số tiền này sẽ bị tính lãi suất 30-40%. Các đối tượng tổ chức dùng mọi biện pháp đe dọa về con cái, học hành, tài sản nếu người vay không trả được.
Hội nghị Triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen ngày 8.3.2019.
Ông Lưu Duy Khanh cho biết “Đa số các đối tượng không phải là người của địa phương nên công tác đấu tranh rất khó khăn. Các băng nhóm di chuyển từ phía Bắc đi về hoạt động tại địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện 13 nhóm với khoảng 50 đối tượng nghi vấn cho vay tín dụng đen với các hình thức tờ rơi, quảng cáo núp bóng dưới hình thức cho thuê tài sản, ô tô xe máy, cung cấp bằng lái xe, chứng minh thư nhân dân, sổ hợp đồng, bảo hiểm, yêu cầu người vay viết giấy nợ, không khi lãi suất mà ghi tổng số tiền để trả bao gồm lãi và gốc”.
Đại diện tỉnh Kon Tum thừa nhận thực tế tín dụng đen thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp gây ra hệ luỵ nghiêm trọng và gây sự bức xúc trong nhân dân. Lãnh đạo tỉnh đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động trên địa bàn, vào cuộc, triệt phá, xử lý hình sự với các loại tội phạm, thu giữ nhiều tang vật. UBND tỉnh phát động tháo gỡ tờ rơi quảng cáo trên các tuyến đường.
Gói vay cần nhanh, gọn, đơn giản
Để góp phần đẩy lùi tín dụng đen hoành hành, ông Lưu Duy Khanh đề xuất 4 giải pháp.
Thứ nhất, NHNN và các ngân hàng địa phương tăng cường giải pháp cho vay tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn theo phương châm nhanh, gọn, đơn giản. Đặc điểm của tín dụng đen là vay dễ, nhanh kịp thời vì vậy người dân cần tiền ngay để giải quyết nhu cầu sinh hoạt nên hình thức tín dụng đen cũng đề xuất.
Thứ hai, chính quyền địa phượng cần có chỉ đạo quyết liệt trong đẩy lùi truy quét triệt phá băng nhóm tín dụng đen trái pháp luật trên địa bàn.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, không tiếp xúc, sa vào tín dụng đen.
Thứ tư, cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, các giải pháp để không để ai bị bỏ lại phía sau.
"Tuyên chiến" tín dụng đen, ngân hàng cho vay tín chấp 30 triệu/người. Bàn về giải pháp để góp phần hạn chế tín dụng đen, ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết ngân hàng đã triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô 5.000 tỉ đồng, hạn mức vay tối đa 30 triệu đồng/người, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày. Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc NHCSXH cho biết ngân hàng đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo |
Lan Hương (LĐO)