(GLO)- Ngày 30-7-2015, Bệnh viện Y dược Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh tròn 30 năm thành lập. Dù còn khó khăn về nhiều mặt, song Bệnh viện luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng phục vụ, kết hợp có hiệu quả giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong công tác khám-chữa bệnh.
Tiền thân là Bệnh viện Y học Dân tộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Bệnh viện Y dược Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh được thành lập ngày 30-7-1985. Sau 4 năm xây dựng cơ sở vật chất, Bệnh viện Y học cổ truyền Gia Lai được chính thức đi vào hoạt động vào tháng 2-1989.
Khoa Dược-Bệnh viện Y dược Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh. Ảnh: L.N |
Năm 2008, UBND tỉnh quyết định hợp nhất Bệnh viện Y học Cổ truyền với Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh thành Bệnh viện Y dược Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai. Đây là bước ngoặt quan trọng của đơn vị trước nhiệm vụ và yêu cầu mới, đồng thời cũng là một mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Sau khi hợp nhất, Bệnh viện nhanh chóng ổn định công tác tổ chức, củng cố và kiện toàn bộ máy hoạt động, đồng thời triển khai công tác chuyên môn bước đầu có hiệu quả, nhất là công tác phục hồi chức năng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng-Giám đốc Bệnh viện vui mừng cho biết: Từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, quy mô giường bệnh chỉ có 50 giường, số cán bộ, y-bác sĩ vỏn vẹn có 5 người, đến nay quy mô giường bệnh đã lên đến 150 giường, đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động là 133 người. Cơ cấu tổ chức gồm 4 phòng chức năng và 8 khoa. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, Bệnh viện đã được trang bị một số trang-thiết bị mới hiện đại phục vụ công tác chuyên môn như: Laser CO2, máy X-quang cao tần, máy siêu âm màu 4D, máy phân tích huyết học tự động 20 thông số, máy kéo nắn cột sống, từ trường cao áp..., từ đó đã mang lại những kết quả khả quan trong điều trị một số bệnh lý về khớp, thần kinh, viêm xoang...
Áp dụng tiến bộ khoa học với phương châm “Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại”, Bệnh viện cũng đã điều trị hiệu quả một số trường hợp cấp tính và mãn tính như: viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, tai biến mạch máu não, cao huyết áp, sốt rét, bệnh phụ khoa, bệnh trĩ…, ngày càng tạo được niềm tin trong nhân dân. Tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú tăng nhanh: Nếu như năm 1989 Bệnh viện chỉ tiếp nhận 57 người điều trị nội trú và 280 người điều trị ngoại trú thì đến năm 2014 con số này đã tăng lên thành 2.273 (đối với bệnh nhân nội trú) và 713 (đối với bệnh nhân ngoại trú).
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, hàng năm Bệnh viện đều cử đội ngũ cán bộ, viên chức là y-bác sĩ, điều dưỡng đi học nâng cao trình độ đại học, sau đại học tại các trường đại học và các khóa đào tạo chuyên môn tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, Viện Y học Dân tộc TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Châm cứu Trung ương... Kết quả, thời gian qua Bệnh viện đã đào tạo được 11 bác sĩ có trình độ sau đại học, 24 cán bộ, viên chức có trình độ đại học…
Trong công tác thừa kế, nghiên cứu khoa học, đến nay đơn vị đã nghiên cứu được 34 đề tài khoa học cấp cơ sở, áp dụng và thừa kế được hơn 30 bài thuốc, cây thuốc phục vụ cho việc khám-chữa bệnh và từng bước sử dụng rộng rãi thuốc Nam, các phương pháp không dùng thuốc trong phòng và chữa các bệnh chứng thông thường. Đồng thời, Bệnh viện còn tham gia báo cáo hơn 30 đề tài ở các hội nghị khoa học của ngành và khu vực về y học cổ truyền, từ đó đưa vào ứng dụng trong công tác khám-chữa bệnh tại đơn vị. Về công tác dược, thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, Bệnh viện đã cử đội ngũ dược sĩ tham gia lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất thuốc tại Viện Y học Dân tộc TP. Hồ Chí Minh. Bước đầu, đơn vị đã sản xuất một số loại thuốc cồn xoa bóp, thuốc hoàn lục vị… đem lại giá trị sử dụng đạt chất lượng tốt và được áp dụng cho cơ sở.
Nhiều năm qua, Bệnh viện cũng đã phối hợp với Sở Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố mở 25 lớp bồi dưỡng về y học cổ truyền cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở với tổng số hơn 550 cán bộ, viên chức tham gia nhằm nâng cao việc sử dụng các phương pháp y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở trong toàn tỉnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, cùng với hoạt động chuyên môn, hoạt động xã hội, từ thiện cũng được Ban Giám đốc Bệnh viện hết sức quan tâm. Cụ thể, Bệnh viện thường xuyên tổ chức các hoạt động như: khám-chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã khó khăn, các gia đình chính sách nhân các ngày lễ lớn của đất nước. Trong những năm qua, Bệnh viện đã tổ chức khám và chữa bệnh ngoài viện cho hơn 14.466 lượt bệnh nhân; ngoài ra, tham gia nhiều hoạt động đóng góp từ thiện như: ủng hộ đồng bào bị bão lụt, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, đóng góp cho bộ đội Trường Sa, nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin….
Với những thành tích kể trên, Bệnh viện Y dược Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh đã nhiều năm liên tục được công nhận là tập thể lao động giỏi, lao động tiên tiến, được tặng bằng khen của Bộ Y tế, giấy khen của Sở Y tế, cờ thi đua của UBND tỉnh cũng như nhiều hình thức khen thưởng khác của các ngành trong tỉnh cho các tập thể, cá nhân trong quá trình xây dựng và phát triển. Trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Bệnh viện cũng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước.
Lam Nguyên