(GLO)- Những diễn biến bất lợi của thời tiết trong thời gian qua đã làm cho mực nước tại các suối, ao hồ, đập trên địa bàn huyện Ia Pa giảm mạnh và ngày càng cạn kiệt làm cho một số cánh đồng trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu nước cục bộ. Hiện ngành nông nghiệp huyện đang huy động mọi nguồn lực, triển khai các biện pháp để giúp nhân dân trên địa bàn chống hạn cho diện tích lúa vụ Đông Xuân 2015-2016.
Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng khan hiếm nước đã bắt đầu xuất hiện tại một số cánh đồng đang sử dụng nguồn nước của suối, ao hồ, đập trên địa bàn huyện. Đây đang là giai đoạn mà cây lúa rất cần nguồn nước và phân để sinh trưởng. Những chân ruộng thiếu nước tập trung chủ yếu ở các cánh đồng ở xã Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó-nơi sử dụng nguồn nước từ suối Đak Pi Hao và các ao hồ, đập nhỏ.
Một số tổ máy đã ngưng hoạt động vì không đủ nước. Ảnh: Q.T |
Đặc biệt, suối Đak Pi Hao gần như khô cạn khoảng 1 tuần nay, trong khi đó Nhà máy thủy điện Đak Pi Hao 2 lại xả nước rất hạn chế, làm cho 3 trạm bơm điện gồm 7 tổ máy (phục vụ tưới cho hơn 400 ha lúa Đông Xuân) không đủ nước để hoạt động hết công suất. Mặc dù các trạm bơm điện đã tiến hành đắp đập, đào hồ trữ nước và sử dụng nguồn nước mạch những vẫn không đủ nước để bơm tưới.
Vụ Đông xuân 2015-2016, nông dân trên địa bàn huyện Ia Pa đã gieo trồng được 7.595 ha; trong đó, lúa đông xuân gần 3.000 ha, hơn 600 ha rau màu các loại, đậu các loại là 240 ha, diện tích mía trồng mới là 1.706 ha, cây thuốc lá là 801 ha, trên 1.200 ha mì... |
Cụ thể, trạm bơm điện Đak Pờ Tó gồm 3 tổ máy phục vụ tưới tiêu cho 122 ha lúa nhưng hiện chỉ có 1 tổ máy đủ nước để hoạt động, 2 tổ máy còn lại chỉ hoạt động cầm chừng mỗi ngày khoảng 6 giờ (yêu cầu mỗi tổ máy hoạt động 15 giờ/ngày); trạm bơm Kim Tân 2 (tưới tiêu 21 ha lúa) nguồn nước chỉ đủ cho 1 tổ máy hoạt động 7 giờ/ngày. Đặc biệt, tình trạng thiếu nước xảy ra nghiêm trọng tại các trạm bơm Chư Răng 1, 2 (phục vụ tưới cho hơn 200 ha lúa), hầu như các tổ máy ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động được ít giờ đồng hồ. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu trong thời gian tới không có nguồn nước bổ sung thì nguy cơ xảy ra khô hạn, cháy tại các trạm bơm điện là rất cao.
“Khí hậu lạnh và gió trong dịp Tết đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa cộng với tình trạng thiếu nước hơn tuần đã làm cho một số diện tích lúa của mình bị khô cháy. Nếu trong những ngày tới không có nguồn nước bỗ sung thì gần 1 ha lúa của gia đình mình có nguy cơ mất trắng”-Anh Phạm Xuân Dũng (thôn 2, xã Pừ Tó) lo lắng. Còn ông Bùi Xuân Kỷ (thôn 2, xã Pờ Tó) nói: "Dù đã tự đào ao chống hạn nhưng nguồn nước vẫn không đủ để tưới cho khoảng 5 sào lúa của gia đình".
Người dân bón phân cho ruộng để “chờ” nước. Ảnh: Q.T |
Trao đổi với phóng viên, ông Lữ Phú Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cho biết: Nguồn nước ngày càng cạn kiệt (cả nước mặt và nước ngầm), dự kiến đến đầu tháng 3-2016 nếu không có lượng nước bổ sung thì nguy cơ lúa bị cháy, khô hạn là rất cao, khả năng toàn bộ diện tích lúa vùng cao, vùng xa của các trạm bơm sẽ không đủ nước tưới (khoảng 110 ha).
Trước tình hình đó, huyện đã có báo cáo UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các công ty thủy điện phía thượng nguồn sông Ba và suối Đak Pi Hao có kế hoạch phát điện và chia sẻ nguồn nước cho các trạm bơm điện trên địa bàn huyện hoạt động đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, huyện sẽ chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo phòng-chống hạn cấp xã, chỉ đạo các tổ thủy nông điều tiết, phân phối nước hợp lý, cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, không để tình trạng thất thoát nước xảy ra.
Quang Tấn