Ia Dêr: Xây dựng môi trường nông thôn sạch đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhờ nỗ lực triển khai thu gom và xử lý rác thải, môi trường nông thôn tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) đã có nhiều chuyển biến tích cực; góp phần giúp xã hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với P.V, ông Đặng Lương Minh Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Trước đây, nhiều khu vực trên địa bàn xã Ia Dêr vẫn còn xảy ra tình trạng rác sinh hoạt vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là dọc tỉnh lộ 664 đoạn qua xã (từ làng Klăh 1 và Klăh 2 đến hết làng Ia Tong, khu vực đồi thông và Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai). Do đó, đầu năm 2018, từ kinh phí sự nghiệp môi trường huyện phân bổ, xã đã đặt 20 thùng rác tại các khu vực này. Đồng thời, hợp đồng với Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai thu gom và xử lý rác thải mỗi tuần 2 lần vào sáng thứ tư và chủ nhật. “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đã đồng tình đóng phí thu gom và bỏ rác đúng quy định. Trong năm 2018, có 261 tấn rác thải được thu gom, góp phần giảm thiểu tình trạng rác thải vứt bừa bãi hoặc tồn đọng gây ô nhiễm môi trường”-ông Điệp cho biết.
 Anh Siu Hon đã đào 2 hố rác để xử lý rác thải sinh hoạt của gia đình. Ảnh: N.H
Anh Siu Hon đã đào 2 hố rác để xử lý rác thải sinh hoạt của gia đình. Ảnh: N.H
Ngoài thu gom rác thải dọc tỉnh lộ 664, xã Ia Dêr còn chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường ở các thôn, làng. Theo đó, các hội, đoàn thể đẩy mạnh một số hoạt động, phong trào: “5 không, 3 sạch”, “Con đường hoa”, “Con đường phụ nữ tự quản”… Đồng thời, triển khai cho các hội viên, đoàn viên tham gia thu gom rác thải tại các khu vực công cộng vào các dịp lễ, Tết; vận động người dân tự xử lý rác thải tại nhà bằng cách đào hố chôn lấp rác. Trên cơ sở đó, cán bộ hội, đoàn thể và thôn, làng đã trực tiếp xuống tận nhà hướng dẫn người dân chọn vị trí, cách đào hố và xử lý rác thải phù hợp. Đến thời điểm này, hầu hết các hộ dân đều đã có ý thức xử lý rác thải sinh hoạt để đảm bảo vệ sinh môi trường. Điển hình là ở các làng Breng 1, Breng 2, Breng 3, Ia Tong, Klăh…
Dạo quanh một số tuyến đường chính của làng Breng 1, chúng tôi khá bất ngờ khi dọc các tuyến đường này hầu như không có tình trạng rác thải vứt bừa bãi. Theo Trưởng thôn Ksor Lit, thực tế trước đây vẫn có tình trạng rác thải vứt bừa bãi dọc các tuyến đường này, nhất là tại những đoạn giáp ranh làng Breng 2 và Breng 3, do ít người sinh sống nên người dân thường đổ trộm rác gây nên tình trạng rác tồn đọng lâu ngày, tạo nên mùi hôi thối. “Từ khi xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các thôn, làng đã tăng cường vận động người dân không vứt rác bừa bãi. Riêng làng Breng 1 đã đưa quy định không xả rác thải bừa bãi vào hương ước. Đồng thời, làm việc với chủ các cửa hàng tạp hóa, các trường học trên địa bàn để nhắc nhở mọi người không nên xả rác bừa bãi. Ngoài ra, làng cũng hướng dẫn các hộ đào hố tự xử lý rác tại vườn và thu gom, xử lý rác thải dọc các tuyến đường. Nhờ đó, tình trạng rác thải vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường đã được hạn chế”-ông Lit chia sẻ.
Anh Siu Hon là một trong những hộ điển hình về gìn giữ vệ sinh môi trường sống ở làng Breng 1. Ngoài tham gia các buổi thu gom rác do làng phát động, anh cũng thường xuyên tự đi nhặt rác dọc tuyến đường trước nhà mình; phối hợp với Trưởng thôn Ksor Lit đến sân bóng của làng vận động đoàn viên, thanh niên không vứt rác bừa bãi tại đây. Đặc biệt, anh còn đào 2 hố ở góc vườn để xử lý rác thải của gia đình. “Trước đây, mình cũng đổ rác thải sinh hoạt của gia đình ra sau góc vườn nhưng không có hố nên mỗi lần có gió là rác bị thổi đi bừa bãi; thậm chí còn bốc lên mùi hôi. Từ khi xã hướng dẫn, gia đình đào hố và cứ 2-3 ngày lại đốt rác nên không còn mùi hôi nữa”-anh Hon nói.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tháng 12-2018, xã Ia Dêr đã hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Lương Minh Điệp thì việc duy trì tiêu chí này trên địa bàn xã vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là việc tự xử lý rác thải tại nhà của các hộ dân ở các thôn, làng vẫn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, tại một số khu vực như Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai, đồi thông và đầu cầu Phan Đình Phùng vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi. Trong khi đó, kinh phí thu gom và xử lý rác thải khá cao (riêng năm 2018, chi cho thu rác dọc tỉnh lộ 664 và Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai đã là 371 triệu đồng-P.V). “Do đó, để làm tốt việc thu gom rác thải, xã mong huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xã bố trí thêm khoảng 100 thùng rác đặt tại các khu công cộng, đồng thời xây dựng tổ thu gom rác tại các thôn, làng; hướng tới xây dựng tổ hợp tác thu gom và xử lý rác thải để giảm chi phí”-ông Điệp kiến nghị.  
 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.

Xu hướng thiết kế nhà ở Gia Lai: Không gian sống hiện đại, thân thiện môi trường

Xu hướng thiết kế nhà ở Gia Lai: Không gian sống hiện đại, thân thiện môi trường

(GLO)-

"Nhà là nơi để trở về" điều này không chỉ phản ánh ý nghĩa tinh thần mà còn gợi nhắc tầm quan trọng của việc thiết kế nhà ở nhằm nâng cao chất lượng sống. Nhà ở hiện đại được bố trí không gian xanh thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng tại Gia Lai.

Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...
Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Hơn 1 triệu người dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên ngày đêm bức xúc, mong ngóng các bộ, ngành khắc phục "sai lầm thế kỷ" khi quy hoạch thủy điện An Khê - Ka Nak, trả lại nước cho sông Ba.