(GLO)- Theo những người dân sống ven tỉnh lộ 666 (chạy qua huyện Mang Yang), tình trạng lâm tặc chở gỗ từ trong rừng ra men theo cung đường này đã diễn ra từ lâu. Để tránh bị phát hiện, lâm tặc thường chở gỗ cách nhật, cứ đi một ngày lại nghỉ một ngày. Từ nguồn tin này, những ngày đầu tháng 8-2016, chúng tôi đã có mặt tại cung đường trên để tìm hiểu thực hư vụ việc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, bắt đầu từ khoảng 3 giờ chiều, xe máy độ chế chở gỗ từ các cánh rừng ở xã Lơ Pang lại đổ ra tỉnh lộ 666. Những chiếc xe máy chở theo những hộp gỗ vuông vắn dài chừng 2 mét chạy nghênh ngang trên đường. Mỗi đợt vận chuyển có 2-3 xe máy, đợt này cách đợt khác khoảng 10-15 phút.
Những thân gỗ lớn bị đốn hạ. Ảnh: V.N |
Để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, khi đến địa phận làng Đak Lah (xã Lơ Pang), lâm tặc rẽ vào đường liên thôn để vận chuyển gỗ đến quốc lộ 19 đoạn qua xã Đak Yă. Nếu đi theo con đường này, lâm tặc sẽ tránh được trạm kiểm lâm đóng tại xã Đak Djrăng. Anh H.-công nhân trồng cỏ của một công ty tại khu vực làng Blen (xã Lơ Pang), cho biết: “Mấy người chở gỗ cứ cách một hôm lại đi qua đây một lần, chủ yếu chở các loại gỗ hộp dài tầm 1,5-2 mét. Chúng tôi trồng cỏ ở đây nên gặp họ suốt. Nhiều hôm đường lầy lội không đi được thì họ cắt lưới hàng rào của chúng tôi rồi đi theo các ngả đường giữa vườn cỏ để ra ngoài.” Anh H. cũng tiết lộ, muốn đến được nơi lâm tặc khai thác gỗ phải đi qua nhiều núi đồi, sông suối và phải có loại xe máy chuyên dụng.
Theo chỉ dẫn của một số người dân, chúng tôi lần theo đường đi của lâm tặc và tiếp cận khu rừng tự nhiên thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng. Tại đây, chúng tôi chứng kiến nhiều cây gỗ bị đốn hạ, dấu vết còn khá mới, cành lá vẫn còn tươi. Nhiều cây có đường kính đến 1 mét bị đốn hạ nằm trơ gốc.
Lâm tặc ngang nghiên vận chuyển gỗ trên tỉnh lộ 666. Ảnh: V.N |
Trao đổi với chúng tôi chiều 8-8 qua điện thoại, ông Lê Văn Cậy-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng, cho biết: Khu vực rừng P.V phản ánh chưa xác định được vị trí cụ thể bởi nó nằm ở vùng giáp ranh giữa lâm phần của Công ty và lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hà Ra cũng như lâm phần do UBND xã Hà Ra quản lý. Cũng theo ông Cậy, trước đây, Công ty bắt được một số vụ giao cho Hạt Kiểm lâm xử lý, gần đây thì không xảy ra vụ nào.
Ông Cậy thừa nhận việc lâm tặc khai thác và chở gỗ ra ngoài là “cũng có chứ không phải không”. Theo ông Cậy, lâm tặc thường đi xe máy luồn lách vào rừng cắt gỗ thành từng khúc rồi vận chuyển theo đường nhánh lách qua trạm để ra ngoài. Lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết được. Trong khi đó, ông Nguyễn Long Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang thì khẳng định: “Nếu để xảy ra phá rừng thì đơn vị chủ rừng phải chịu trách nhiệm”.
Trong khi các đơn vị liên quan đang loay hoay tìm xem ai là người phải nhận trách nhiệm thì những cánh rừng tại Mang Yang vẫn ngày đêm bị rút ruột.
Lê Văn Ngọc