(GLO)- Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song huyện Chư Pưh đã có nhiều cố gắng chăm lo tốt đến sức khỏe cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất và an sinh xã hội. Người dân trên địa bàn ngày càng hiểu và tin tưởng hơn vào các cơ sở y tế, đau ốm không phải mời “thầy mo” và giết mổ heo, gà để cúng Yàng mà chủ động đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh.
Khám bệnh cho bệnh nhân ở Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh. Ảnh: Văn Nguyên |
Mạng lưới y tế đã được “phủ kín” đến tận các buôn làng trong huyện, tại trung tâm có bệnh viện tuyến huyện, tại các xã thì có trạm y tế và ở các buôn làng thì đều có y tế thôn, làng. Đội ngũ y-bác sĩ không ngừng được đào tạo nâng cao năng lực, trình độ và hoạt động với tinh thần, trách nhiệm cao; các loại trang-thiết bị y tế cũng được tăng cường đầu tư, từng bước đáp ứng được nhu cầu khám-chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Riêng ở tuyến xã, hiện có đến 4/9 trạm y tế có bác sĩ, theo ông Siu Thun-Phó Trưởng phòng Y tế huyện thì trong những năm tới sẽ cố gắng bố trí luân chuyển bác sĩ từ tuyến trên về cho các xã, đảm bảo 100% số trạm y tế đều có bác sĩ thường trực tại cơ sở. Y tế thôn ngày càng được củng cố và hoàn thiện, đảm bảo năng lực trình độ tiếp cận và chữa được những bệnh thông thường cho bà con tại chỗ; quan trọng hơn là phát hiện dịch bệnh và tuyên truyền vận động bà con đến các cơ sở y tế để điều trị bệnh khi có ốm đau. Trong tổng số 187 nhân viên y tế thôn đang hoạt động trên địa bàn thì đã có đến 40 người được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nhất là y tế thôn là người dân tộc thiểu số.
Trong công tác phòng-chống các dịch bệnh như bệnh sốt rét, sốt xuất huyết..., các cơ sở y tế trên địa bàn cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt các biện pháp chuyên môn như phun hóa chất, tẩm màn diệt muỗi truyền bệnh, vận động bà con ăn ở vệ sinh và giữ môi trường sạch. Trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã cơ bản được cấp phát màn ngủ cho người dân và được sử dụng đúng mục đích. Trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện không có các loại dịch bệnh xảy ra; riêng bệnh sốt rét ổn định, từ đầu năm đến nay phát hiện có 40 ca mắc bệnh, trong đó chỉ có 30 ca có ký sinh trùng sốt rét và đã được chữa khỏi, không có ca sốt rét ác tính và tử vong do bệnh sốt rét gây ra.
Ảnh: Văn Nguyên |
Trạm Y tế xã Ia Rong là một trong những cơ sở “kiểu mẫu” của huyện. Ngoài việc khám-chữa bệnh cho dân, trạm còn phối hợp với chính quyền, đoàn thể và các già làng, trưởng thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện trên địa bàn xã không còn tình trạng chị em sinh đẻ ngoài rừng, mời thầy cúng chữa bệnh... Số người bệnh đến với cơ sở y tế ngày càng tăng, bình quân mỗi năm trong toàn xã có từ 3.500 đến 4.000 lượt người đến khám-chữa bệnh.
Chị Rơ Com H’Yô-người dân ở làng Tao Ôr nói: Trước đây, trong nhà mình cũng như bà con trong làng có người đau ốm là tốn nhiều tiền lắm bởi phải làm nhiều heo, nhiều gà mời thầy cúng đến cúng, nhưng bệnh tình cũng chẳng khỏi. Nay có trạm y tế xã rồi, dân làng ai cũng ưng “cái bụng”, có bệnh thì đến khám không phải tốn tiền mà lại hết bệnh nữa...
Huyện Chư Pưh có khoảng 70.000 dân thì trong đó có đến hơn 50% số dân là người dân tộc Jrai và Bahnar cùng chung sống trên địa bàn 9 xã, thị trấn và 82 thôn làng. Trong đó có những xã xa đến 25-30 km, đường sá đi lại không thuận lợi và nhất là đến mùa mưa bão và đây cũng là một trong những khó khăn khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị.
Bác sĩ Trần Văn Thùy-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh cho biết: Một tin vui đến với nhân dân huyện Chư Pưh là, bệnh viện tuyến huyện đã được đầu tư nâng cấp, từ cơ số 20 giường bệnh nâng lên 80 giường bệnh, hơn 30 tỷ đồng đầu tư mua sắm các loại trang-thiết bị y tế hiện đại phục vụ tốt nhu cầu khám-chữa bệnh cho nhân dân. Hiện nay, công trình đang khởi công xây dựng và theo kế hoạch đến đầu năm 2014 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Văn Nguyên