Từ 1 đến 3-11, Hội nghị Ghép tế bào máu châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 18 và Hội nghị Truyền máu huyết học khu vực phía Nam lần thứ 2 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hai sự kiện này thu hút khoảng 900 đại biểu; trong đó có nhiều chuyên gia đến từ các bệnh viện trên toàn quốc, cùng các nhà khoa học, chuyên gia về huyết học là thành viên của Hội Huyết học châu Âu và Hội Ghép tế bào gốc tạo máu châu Á-Thái Bình Dương.
Sàng lọc máu tại Ngân hàng tế bào gốc của Bệnh viện Truyền máu-Huyết học thành phố Hồ Chí Minh. |
Với 120 bài tham luận, hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và khu vực chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm trong thực tiễn về các lĩnh vực ghép tế bào gốc (tế bào gốc tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn), điều trị bệnh lý huyết học ác tính, truyền máu huyết học và xét nghiệm; đồng thời trao đổi về những tiến bộ lớn của các nước trong lĩnh vực huyết học và ghép tế bào gốc tạo máu trong những năm gần đây.
Tại Hội nghị Ghép tế bào gốc tạo máu, các chuyên gia khẳng định, trong lĩnh vực điều trị về bệnh lý huyết học, phương pháp ghép tế gốc tạo máu ngày càng chiếm vị trí quan trọng, chỉ có phương pháp này mới có thể điều trị hết các bệnh lý về di truyền, ác tính, nhóm bệnh nguy cơ cao. Vì vậy, hội nghị là cơ hội để Việt Nam học tập kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Huyết học ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Tại Việt Nam, ca ghép tế bào gốc tạo máu thực hiện lần đầu tiên vào tháng 7-1995. Đến nay, cả nước đã thực hiện hơn 250 ca; trong đó chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn ghép tế bào gốc ban đầu là từ tủy xương, sau đó tiến hành qua lấy nguồn máu ngoại vi, rồi máu cuống rốn. Trong tháng 4-2013, việc ghép tế bào gốc tạo máu bằng kỹ thuật nửa thuận hợp HLA lần đầu tiên đã được áp dụng thành công tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bác sỹ Phù Chí Dũng- Giám đốc Bệnh viện Truyền máu-Huyết học thành phố Hồ Chí Minh, việc ghép tế bào gốc tạo máu ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo cho việc áp dụng kỹ thuật này rộng rãi; chi phí thực hiện một ca ghép còn khá cao, bảo hiểm y tế chưa tham gia chi trả cho dịch vụ này.
Bên cạnh đó, nguồn người cho để thực hiện ca ghép tế bào gốc tạo máu có thể là trong gia đình và người cho không liên hệ huyết thống. Tuy nhiên, với mô hình mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con nên nguồn tế bào gốc từ người cho trong gia đình sẽ rất hạn chế. Trong khi đó, đối với nguồn người cho không liên hệ huyết thống lại đang gặp khó khăn do Việt Nam chưa thành lập được ngân hàng cho tủy và cho tế bào gốc tạo máu.
Hội nghị Ghép tế bào gốc tạo máu châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1990, từ năm 2004 hội nghị được tổ chức thường niên. Hiện có 19 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là thành viên, trong đó có Việt Nam.
Theo TTXVN