(GLO)- Thời gian qua, công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng tiếp tục được tỉnh Gia Lai chú trọng chỉ đạo, triển khai thực hiện. Những chiến lược, chương trình của tỉnh về thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tỷ lệ cán bộ nữ tăng cao
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp thường xuyên chú trọng đến công tác cán bộ nữ, từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm đều đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Nhiều cán bộ nữ tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý ở các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn. Nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giao giữ những trọng trách quan trọng trên cương vị lãnh đạo, quản lý và qua thực tiễn công tác đã thể hiện được năng lực trong điều hành, quản lý, xây dựng và tập hợp quần chúng; làm nòng cốt trong các phong trào ở địa phương, đơn vị.
Khen thưởng những phụ nữ điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015. Ảnh: Đức Thụy |
Tại đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tăng so với nhiệm kỳ trước; trong đó, cấp xã có 598/2.678 người, đạt 22,3% (tăng 9,1%); cấp huyện có 107/641 người, đạt 16,7% (tăng 2,9%); cấp tỉnh có 8/55 người, đạt 14,5% (tăng 4,3%); tỷ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ cấp ủy đạt 7,14%. Tỷ lệ nữ đại biểu tham gia Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tăng so với nhiệm kỳ trước. Theo đó, tỷ lệ nữ được bầu vào Quốc hội là 2/7 người, đạt 28,5%. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp xã 1.595/5.678 người, đạt 26,65% (tăng 10,2%); cấp huyện 167/606 người, đạt 27,5% (tăng 7,8%); cấp tỉnh 23/80 người, đạt 28,75% (tăng 2%).
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ nữ tiếp tục được chú trọng. Từ năm 2008 đến nay, đã có 1.217 lượt cán bộ nữ được đào tạo lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ và tiếng Jrai, Bahnar; 254 cán bộ nữ có học vị thạc sĩ, 2 cán bộ nữ là tiến sĩ, góp phần không nhỏ trong công tác phát triển khoa học-kỹ thuật của tỉnh nhà. Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới là nữ được các cấp ủy quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 17.539 đảng viên nữ/53.138 đảng viên, chiếm tỷ lệ 33%. Đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, từng bước chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và nghiệp vụ, ngày càng đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Tiếp tục quan tâm đội ngũ cán bộ nữ
Thời gian đến, để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn về công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới. Tiếp tục rà soát, bổ sung cán bộ nữ vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của các địa phương, đơn vị, nhất là những nơi có tỷ lệ nữ thấp. Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đạt tỷ lệ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt 35-40%, tỷ lệ nữ được kết nạp vào Đảng đạt 35% tổng số đảng viên mới kết nạp.
Cùng với đó, Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về công tác cán bộ nữ, có cơ chế hỗ trợ, động viên cán bộ nữ tích cực tham gia xây dựng đất nước, xóa bỏ tâm lý e ngại, tự ti, an phận, tạo điều kiện thuận lợi để chị em phụ nữ phấn đấu vươn lên, cống hiến ngày càng nhiều cho xã hội. Nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, quy trình xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các vị trí lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội theo hướng kết hợp giữa chọn và cử; có quy định về tỷ lệ nữ trong cơ cấu cán bộ với một số tiêu chí có thể thấp hơn so với nam giới, qua đó, tạo cơ hội cho cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Quy định thống nhất về chính sách hỗ trợ cán bộ nữ tham gia các khóa đào tạo, nhất là cán bộ nữ ở cơ sở; cán bộ nữ đi học có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Đồng thời, có chính sách đặc thù tuyển dụng sinh viên nữ là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học vào làm việc tại các xã có từ 35% dân số là người dân tộc thiểu số trở lên, nhằm đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các dân tộc trên địa bàn.
Đỗ Ngọc Hải