Gia Lai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng-chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 9-7, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 1478/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030 là giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 60% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020 không vượt quá 1,2% GRDP tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; triển khai và thực hiện tốt hệ thống pháp luật, vận dụng các chính sách về phòng-chống thiên tai, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho quản lý, chỉ đạo, chỉ huy và triển khai công tác phòng-chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; tổ chức, lực lượng làm công tác phòng-chống thiên tai được kiện toàn chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại.
 

 Lực lượng quân đội sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi mưa lũ xảy ra. Ảnh Nguyễn Diệp
Lực lượng quân đội sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi mưa lũ xảy ra. Ảnh: Nguyễn Diệp


Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền cấp huyện, cấp xã, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác phòng-chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm "4 tại chỗ".

Nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai; đầu tư, nâng cấp cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng-chống thiên tai được hình thành theo hướng đồng bộ, liên thông, theo thời gian thực; 100% cơ quan chỉ đạo điều hành phòng-chống thiên tai cấp tỉnh hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng-chống thiên tai; khu vực trọng điểm, xung yếu phòng-chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng-chống thiên tai, nhất là hệ thống hồ đập được nâng cao, đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

Theo kế hoạch, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là Sở Nông nghiệp và PTNT. Sở có nhiệm vụ là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch này đồng bộ, kịp thời, hiệu quả; tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng-chống thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng dẫn điều chỉnh sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng-chống thiên tai; xây dựng công cụ hỗ trợ, cơ sở dữ liệu, bản đồ ngập lụt, phân vùng thiên tai, hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo chuyên dùng, cơ sở vật chất, trang thiết bị. 

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo thực hiện nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm thiên tai của các địa phương trong tỉnh; trực tiếp thực hiện công tác chỉ đạo, điều phối các lực lượng thực hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông-Vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính: Thực hiện việc hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng-chống thiên tai trong các quy hoạch liên quan đến sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước để bảo đảm toàn, hạn chế tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai; hướng dẫn, chỉ đạo triển khai nội dung phòng-chống thiên tai trong hoạt động của ngành Công thương trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn đối với các hoạt động và công trình thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là hồ, đập thủy điện, công trình điện lực, sản xuất công nghiệp, hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản; phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên tham mưu nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt; phối hợp, hướng dẫn địa phương và các cơ quan liên quan đẩy mạnh thông tin truyền thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu, tổ chức các hoạt động nâng cao hiệu quả truyền thông trong phòng-chống thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết cho địa phương mình, trong đó tập trung: chuyển đổi sản xuất chủ động ứng phó với thiên tai; xây dựng lực lượng xung kích, lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ người dân phòng-chống thiên tai. Đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, vận hành hiệu quả công trình phòng-chống thiên tai trên địa bàn. Chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối; xây dựng, lắp đặt hệ thống theo dõi, cảnh báo và kiểm soát rủi ro thiên tai tại các khu vực trọng điểm, xung yếu.

 

LỆ HẰNG

 

Có thể bạn quan tâm