(GLO)- Trong khi dịch sởi trên địa bàn tỉnh vừa tạm lắng thì một số bệnh nguy hiểm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não virus… đang có dấu hiệu tăng mạnh, thậm chí có nguy cơ bùng phát thành dịch. Trước tình hình trên, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành chức năng chủ động, tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh nguy hiểm này nhằm hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Bệnh sởi lùi, bệnh khác đến
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai-cho biết: Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết là những bệnh truyền nhiễm thường xuất hiện trong giai đoạn chuyển mùa, nhất là vào mùa hè, đầu mùa mưa và có nguy cơ bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào. Do vậy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh lúc nào cũng trong tư thế chủ động, sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra.
Bệnh nhân viêm não vi rus nằm điều trạ tại khoa Bệnh Nhiệt đới. Ảnh: Minh Triều |
Mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, thuốc men, phương tiện máy móc, bố trí thêm phòng cách ly để kịp thời thu dung, điều trị… luôn sẵn sàng. Ngay đầu tháng 5-2014, Bệnh viện đã cử 2 đoàn cán bộ gồm các y-bác sĩ ở các khoa khám, cấp cứu, khoa truyền nhiễm… đi tập huấn nắm bắt công tác phòng-chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và những bệnh nguy hiểm khác để triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh này ngay tại bệnh viện.
“Đặc biệt là đối với dịch sởi vừa qua, chúng tôi đã làm tốt công tác phân luồng, phân tuyến điều trị, tổ chức cách ly ngay từ đầu nên đã hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo sởi giữa người nhà với bệnh nhân, giữa bệnh nhân với nhân viên y tế, tránh được nguy cơ dịch sởi lan rộng. Đến thời điểm hiện tại thì bệnh viện không tiếp nhận cũng như phát hiện thêm bệnh nhân sởi nào”-bác sĩ Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, bác sĩ Rcom Manh-Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh-dự báo: Tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới do thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa mưa. Tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã ghi nhận 29 ca sốt xuất huyết, 92 ca tay chân miệng. Mặc dù số ca bệnh được ghi nhận có giảm so với cùng kỳ năm 2013 (sốt xuất huyết 98 ca; tay chân miệng 106 ca), “nhưng đối với những loại bệnh này vẫn sẽ có nhiều diễn biến phức tạp trong năm nay”-bác sĩ Manh chia sẻ. Trường hợp phát hiện bệnh tay chân miệng gần đây nhất (ngày 11-5) là cháu Nguyễn Mạnh Hùng, 18 tháng tuổi, ở tổ 11, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê; cháu Phạm Hoàng Gia Khang, 21 tháng tuổi, ở TP. Pleiku; cháu Đỗ Thị Hương Giang, 16 tháng tuổi, ở huyện Chư Pah…
Các em học sinh được cô giáo hướng dẫn rửa tay đúng cách. Ảnh: Minh Triều |
Đáng lo ngại nhất là trong 2 tuần gần đây, Khoa bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 7 bệnh nhân bị viêm não virus, trong đó có 5 ca để lại di chứng như: không nói được, liệt tay, chân, liệt nửa người… Hiện khoa này đang phối hợp với Khoa Vật lý Trị liệu-Phục hồi chức năng để điều trị. Bác sĩ Manh cảnh báo, đây là căn bệnh nguy hiểm thường dẫn đến thương vong hoặc để lại di chứng, hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị đối với bệnh này.
“Kiên quyết không để dịch lây lan”
Trước những cảnh báo đáng lo ngại về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, thầy Nguyễn Chớ-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku, cho biết: Hiện địa bàn TP. Pleiku có khoảng 22.826 học sinh cấp tiểu học và 15.205 học sinh cấp THCS. Đáng chú ý là cấp học mầm non có đến 29 trường với hơn 13.539 học sinh nên công tác vệ sinh học đường đặc biệt được ngành Giáo dục quan tâm, chú trọng.
Hiện Phòng đã có văn bản chỉ đạo kịp thời, nhất là đối với các trường mầm non bán trú, nhắc nhở các trường thường xuyên tăng cường công tác vệ sinh, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi, phối hợp với phụ huynh học sinh vận động tiêm vắc xin phòng-chống bệnh sởi cho con em, tích cực phòng-chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết bằng cách vệ sinh trường học, làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt, rửa tay bằng xà phòng…
Rửa tay bằng xà phòng. Ảnh: Minh Triều |
Cô Phạm Thị Sò-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Pleiku-chia sẻ: Trường có 16 nhóm lớp (1 nhóm trẻ, 15 lớp mẫu giáo) với 612 cháu nên công tác phòng-chống dịch bệnh luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Ở mỗi lớp đều có góc tuyên truyền về vệ sinh học đường, phòng-chống dịch bệnh, đồng thời giao nhiệm vụ cho một Phó Hiệu trưởng phụ trách theo dõi về dinh dưỡng và công tác phòng-chống dịch bệnh để kịp thời phát hiện khi có triệu chứng bệnh… Bên cạnh đó, nhà trường có đến 3 lao công thường xuyên lau sàn phòng học, hàng tuần tổng vệ sinh toàn trường, giáo viên các lớp học còn hướng dẫn bằng hình ảnh các em học sinh rửa tay đúng cách, giữ vệ sinh cá nhân…
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 người tử vong; 7.931 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 4 người đã tử vong. Riêng tại Gia Lai, tính đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận 110 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 50 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 7 ca viêm não virus… |
Trao đổi với P.V, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế Gia Lai-cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận bệnh nhân nào tử vong do tay chân miệng và sốt xuất huyết. Tuy nhiên, hiện đã có hơn 110 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng xuất hiện ở các huyện, thành phố như: TP. Pleiku 25 ca, Kbang 18 ca, Chư Sê 17 ca, Đak Đoa 11 ca… Riêng bệnh sốt xuất huyết ghi nhận đã xuất hiện 55 ca, trong đó chủ yếu là huyện Phú Thiện với 40 trường hợp.
Ông Hải cho biết: Trước tình hình bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ bùng phát cao trong điều kiện thời tiết mùa hè, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát tình hình dịch tễ, giám sát bệnh nhân tay chân miệng, sốt xuất huyết, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc trong các cơ sở y tế tại cộng đồng. Trong đó, điều quan trọng là xác định các vùng có nguy cơ cao, các điểm hay xảy ra dịch sốt xuất huyết trước đây để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, xử lý triệt để các ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải nhằm làm giảm nơi sinh sản của véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết.
Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn tích cực phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết một cách quyết liệt, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các ca bệnh mới xuất hiện, kiên quyết không để dịch lây lan phát triển trong cộng đồng. Theo ông Hải, ngoài việc tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt thì vấn đề cấp thiết hiện nay là tổ chức tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt là các nhà trẻ, trường mẫu giáo về biện pháp phòng chống đối với những loại bệnh này.
Minh Triều