(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Chương trình hành động, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai thực hiện, bảo đảm kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại địa phương.
Chương trình hành động cũng đã nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Gia Lai hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số, bao gồm phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số.
Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, Chương trình động đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và tận dụng các nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số. Chương trình cũng nêu rõ một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số như nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông vận tải và logictics, công nghiệp và năng lượng, tài nguyên môi trường, du lịch, tài chính ngân hàng. Liên quan đến nguồn lực chuyển đổi số, huy động tổng thể các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi, lồng ghép các nguồn lực thực hiện từ các chương trình, đề án có liên quan. Kinh phí thực hiện chuyển đổi số bao gồm ngân sách Nhà nước, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động sử dụng nguồn kinh phí được bố trí giao dự toán hàng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Liên quan đến việc tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, điều phối chung việc triển khai thực hiện chương trình và các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Căn cứ các chức năng nhiệm vụ tại Nghị quyết số 04-NQ/TU và tại Chương trình hành động, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện.
HÀ SỰ