Ghi ở New York

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 10 và 11-9-2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam. Nhân dịp này, Báo Gia Lai giới thiệu bài viết của tác giả Thanh Phong để bạn đọc thêm một góc nhìn về nước Mỹ.

1. Tháng 6-2023, từ bang Texas, tôi bay sang bờ Đông trên chiếc A320 của hãng máy bay giá rẻ Spirit. Từ Sân bay George Bush của TP. Houston bay sang Sân bay Newark Liberty của bang New Jersey mất đúng 3 giờ 30 phút. Đích cuối là New York nhưng Newark Liberty là sân bay chủ yếu phục vụ các chuyến bay cho hành khách muốn đến New York và các khu vực lân cận.

New Jersey là 1 trong 4 tiểu bang ở Mỹ, nằm ven Đại Tây Dương, giáp với New York ở phía Bắc, phía Nam và phía Tây lần lượt giáp với các tiểu bang Delaware, Pennsylvania. Nơi đây mùa đông tuyết phủ còn mùa hè mát mẻ, nhiệt độ cũng không quá 15 độ C. “Nhỏ nhưng có võ” bởi New Jersey là nơi giàu thứ hai của Hoa Kỳ tính theo thu nhập bình quân hộ gia đình.

Tác giả bên bờ Đông Vịnh New York. Ảnh: T.P

Tác giả bên bờ Đông Vịnh New York. Ảnh: T.P

Đi về hướng New York qua đường hầm Lincoln dài 2,4 km chạy ngầm dưới lòng sông Hudson, nối Weehawken New Jersey với Midtown Manhattan ở New York. Đường hầm được đặt tên theo Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln và là 1 trong 2 hệ thống đường hầm ô tô xây dựng dưới sông, đường hầm kia là Holland. Hầm Lincoln có lưu lượng trên 120 ngàn lượt xe cơ giới/ngày. Hầm giữa dài 2.504 m, mở cửa vào năm 1937, tiếp theo là đường hầm phía Bắc dài 2.281 m mở vào năm 1945 và hầm phía Nam dài 2.440 m khai trương cuối cùng vào năm 1957.

Trong khi chờ qua hầm, hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp là một phụ nữ đứng ôm tấm biển trước ngực ghi dòng chữ: Im a single mom. I need money to buy food and milk for my baby (Tôi là mẹ đơn thân, cần tiền để mua thực phẩm và sữa cho con).

Giá cả New York quả đắt đỏ. Tôi ở trong một khách sạn nằm trên con phố số 48 ở khu Manhattan, New York đã được book từ mấy tháng trước. Khách sạn có tuổi đời chắc không dưới 50 năm nên trông cũ kỹ, chỉ có 1 thang máy ọp ẹp, chờ mãi mới lên được tầng. Phòng nhỏ. Không một chai nước uống free nhưng giá phòng là 300 USD/ngày đêm.

Đi bộ ở trung tâm New York là một nỗi khổ bởi lưu lượng người đi trên vỉa hè quá đông và phải mất rất nhiều thời gian dừng lại chờ tín hiệu qua đường. Dạo từ phố 48 đến Quảng trường Thời Đại, đập vào mắt tôi không chỉ là những tòa cao ốc, là các khu mua bán sầm uất, hiện đại mà còn là những cảnh đời rất thật của thành phố lớn nhất thế giới này: khá nhiều người Mỹ nghèo chào bán hàng trên vỉa hè (phần lớn là người Mỹ da màu, người gốc Mễ); có cả người Mỹ da trắng ôm con nhỏ ngồi dựa vách nhà bán ít đồ ăn vặt và có cả những người xin ăn.

2. New York không chỉ là những tòa nhà chọc trời mà còn là hệ thống đường tàu điện chạy chằng chịt dưới lòng đất cứ như đưa chúng ta vào một mê cung của thế giới ngầm chẳng biết lối ra.

Nếu tính theo thứ tự trên thế giới thì hệ thống tàu điện ngầm ở New York chỉ đứng thứ 6 với tổng chiều dài 394 km, 24 tuyến (tương đương 1.056 km có doanh thu và 1.355 km không có doanh thu), 472 nhà ga, nhưng có tuổi đời đứng thứ 2 (sau London ra đời năm 1863) được khai trương từ cách đây hơn 1 thế kỷ: 1904, kết nối hầu hết các quận của TP. New York.

Chừng ấy nhà ga nghĩa là cũng chừng ấy lối xuống. Không chỉ chằng chịt, các nhà ga còn có nhiều tầng bậc, có nhà ga rộng đến hàng chục ngàn mét vuông và sâu hun hút dưới lòng đất. Đã vậy do không ngừng được nâng cấp nên việc kết nối các loại tàu với nhau không hề dễ tìm. Nếu sử dụng thành thạo smartphone thì cũng không đến nỗi vất vả lắm khi chọn nhà ga, đặt vé. Mỗi lần bước qua cổng kiểm soát, chỉ cần áp lưng chiếc iPhone vào bản điện tử là tức thì tay quay mở ra, ung dung bước qua. Trung bình mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm vận chuyển trên dưới 5 triệu lượt hành khách, là phương tiện đi lại hàng đầu của người dân nơi đây.

Tượng nữ thần tự do. Ảnh: T. Phong

Tượng nữ thần tự do. Ảnh: T. Phong

Từ khách sạn trên phố 48, tôi đi qua khá nhiều ga tàu điện ngầm để rồi bước lên phố Wall-trái tim của thị trường tài chính New York. Con phố Wall chạy dọc theo hướng Đông từ đại lộ Broadway tới khu phố South Street bên sông Đông. Đích đến không phải là tham quan Sở Giao dịch chứng khoán hay Hội trường Liên bang mà là đến Khu tưởng niệm và Bảo tàng 11-9. Đây là nơi kể lại câu chuyện về nỗi đau tột cùng của sự mất mát, sự phục hồi mãnh liệt và niềm hy vọng sau vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 và đặc biệt là vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Khu đài tưởng niệm trồng 400 cây xanh, trong đó có 1 “nhân chứng” đặc biệt là cây lê Caller được tìm thấy đã bị cháy rụi dưới đống đổ nát nhưng rồi sau đó đã vươn lên mạnh mẽ.

Tôi đứng lặng bên hồ nước được xây ngay trên nền móng của tòa tháp đôi bị tấn công ngày 11-9-2001. Dòng nước không ngừng chảy từ các phía khác nhau để cuối cùng hòa làm một xuống đáy hồ sâu. Trên thành hồ có khắc tên của 2.977 nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001 và 6 nạn nhân của vụ đánh bom tại tòa tháp Bắc năm 1993. Du khách đến đây ai nấy đều im lặng, khuôn mặt lộ rõ nét u buồn.

Sau khi lấy trong thùng kính chiếc vòng đeo tay có in chữ Memorial để kỷ niệm, các cháu mua vé vào tham quan Bảo tàng, giá vé là 24 USD/người lớn, tôi trên 65 tuổi nên chỉ 18 USD. Bảo tàng nằm dưới lòng đất. Kiểm soát tại đây gắt gao như đi máy bay, người và tư trang đều phải qua máy soi. Thiết kế ngoại thất của Bảo tàng mô phỏng một phần Tòa tháp đôi, trưng bày những hiện vật và các câu chuyện liên quan đến vụ khủng bố năm 2001 như cây cột cuối cùng của tòa tháp, áo của lính và xe cứu hỏa tham gia ứng phó ngày hôm đó. Khách vào tham quan chỉ đi nhẹ nhàng, trao đổi rì rầm, nét biểu cảm lộ rõ trên từng khuôn mặt khi tận thấy những chứng tích tội ác do bọn khủng bố gây ra.

Đến New York mà chưa tham quan tượng Nữ thần tự do là xem như chưa đến. Bức tượng có tổng chiều cao 93 m, phần chính của tượng 46 m, còn lại là bệ đỡ. Tượng nặng đến 225 tấn, được làm bằng đồng và thép, hoàn thành vào năm 1886, là món quà của người dân Pháp tặng cho Hoa Kỳ để đánh dấu sự hợp tác giữa 2 quốc gia trong cuộc cách mạng Mỹ. Tượng được đặt trên đảo nhỏ Liberty, nằm giữa cửa ngõ vào vịnh New York, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1984.

Khách tham quan có thể đi bằng xe bus, tàu điện ngầm hoặc phà từ quận Manhattan hoặc New Jersey. Tôi chọn tham quan bằng phà, giá vé là 36 USD/người, tôi thuộc nhóm người cao tuổi nên chỉ đóng 10 USD tiền thuế. Phà chạy chầm chậm trên vịnh, du khách mặc sức ngắm toàn cảnh cầu Brooklyn-biểu tượng vượt thời gian của New York. Cây cầu được khánh thành vào năm 1883, nối 2 khu Manhattan và Brooklyn bị chia cắt bởi sông Đông. Chiêm ngưỡng những ngôi nhà cao vút giữa bầu trời xanh. Rồi phà sẽ dừng lâu trước tượng để du khách chụp ảnh, quay phim.

Giữa trời nước mênh mông, bức tượng sừng sững trên đảo như một biểu tượng tự do của con người.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.