Đưa tranh thờ lên trang phục hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiếc áo thêu ngũ hổ ở ngực, chiếc đĩa bày có hình tranh thờ Hàng Trống, những hoa văn trên áo vua chúa xưa giờ cũng trở lại trên trang phục để người dân thường mặc...
Thiết kế áo dài ngũ hổ của NTK Thuận Việt Ảnh: NVCC
Thiết kế áo dài ngũ hổ của NTK Thuận Việt Ảnh: NVCC
Hổ nằm trên ngực áo
 
"Nếu chúng ta không có sự cởi mở nhất định thì sẽ thành lạc hậu trong dòng chảy đó. Điều này cũng giúp các họa tiết, hoa văn cổ đi vào đời sống"- Ông Nguyễn Đức Lộc, chủ Công ty Ỷ Vân Hiên
Nhiều người đã bàn luận khi admin của trang Blue de Hue nêu ý kiến về việc có nên đưa các họa tiết tranh thờ Hàng Trống, tranh ngũ hổ lên trang phục hay không. Theo đó, quan điểm của Blue de Hue là: “Làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau. Lạm dụng chất liệu dân gian mà không hiểu rõ mỗi chất liệu đều phải gắn liền với không gian thiêng của nó”.
Trên thực tế, có nhiều nhà thiết kế (NTK) đã đưa hình ngũ hổ lên trang phục. Chẳng hạn, NTK Thuận Việt từng có một bộ áo dài Ngũ hổ dựa trên họa tiết tranh ngũ hổ. Dáng áo được thiết kế trên dáng áo dài xưa của miền Bắc. Họa tiết được dùng là hình hổ trong tranh dân gian. Bộ sưu tập này từng được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ tại New York năm 2015. Buổi biểu diễn nằm trong chương trình Big cat, nhằm nâng cao sự hiểu biết về hình ảnh nhóm động vật này như hổ, sư tử, báo đốm, báo tuyết... Một NTK khác là Nguyễn Xuân Lam cũng đã đưa tranh ngũ hổ lên ngực áo hoodie. Đây cũng là mẫu thiết kế được nhiều bạn trẻ yêu thích.
 Thiết kế áo có hình rồng của NTK Xuân Lam
Thiết kế áo có hình rồng của NTK Xuân Lam
Về thiết kế của mình, NTK Xuân Lam chia sẻ: “Trước đây, tranh ngũ hổ để thờ. Nhưng đối với tôi, tôi không phải là người tin vào điều đó lắm. Tôi không coi đó là một bức tranh thờ. Tôi cũng đặt nó ở ngay trước ngực, một vị trí quan trọng. Nó ở trên ngực, nơi quan trọng nhất của cơ thể”. Mẫu này đã được Xuân Lam bán hết từ năm 2017. Năm nay, Xuân Lam dùng hình tượng rồng và phượng để đưa lên thiết kế. Cũng theo Xuân Lam, các mẫu tranh ngũ hổ đã có nhiều NTK khác đưa lên quần áo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lộc, chủ Công ty Ỷ Vân Hiên, cho rằng: “Các họa tiết tôi đang dùng trên trang phục cũng là họa tiết cung đình. Rồng 5 móng, phượng ổ, loan ổ chẳng hạn. Nếu như nói là không được vì chỉ vua mới được dùng họa tiết rồng 5 móng thì sẽ không thể có được Ỷ Vân Hiên. Việc đưa tranh ngũ hổ lên cũng vậy thôi. Chúng ta chỉ cần không đưa vào trang phục một cách thiếu tôn trọng là được...”.
Để các họa tiết cổ đi vào đời sống
Cũng theo ông Lộc, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, các họa tiết hình vẽ thánh, hoa văn cổ cũng được sử dụng nhiều trên quần áo. Kể cả trong in ấn và sản xuất vật phẩm lưu niệm cũng vậy. “Họ dùng nhiều lắm. Nếu chúng ta không có sự cởi mở nhất định thì sẽ thành lạc hậu trong dòng chảy đó. Điều này cũng giúp các họa tiết, hoa văn cổ đi vào đời sống”, ông nói.
Cũng theo nguyên lý đó, ông Lộc khi phỏng dựng các trang phục xưa cũng dựa trên hoa văn cổ, hoa văn Đại Việt. “Tôi lấy các họa tiết hoa văn từ những trang phục cổ vẫn còn tư liệu đến nay. Có những hiện vật như thế để làm theo. Một số họa tiết khác lấy ở trong bộ sưu tập Hoa văn Đại Việt. Ở đó đã có những mẫu hoa văn được vector hóa. Tôi kết hợp những hoa văn được sưu tập từ trên trang phục, điêu khắc, các mảng trang trí gốm sứ... Vì thế mới nói là phỏng dựng trang phục”, ông nói.
Cũng phải nói thêm, Hoa văn Đại Việt là một dự án sưu tầm, sau đó vector hóa hoa văn cổ với mục đích thế hệ sau có thể sử dụng trong các thiết kế. Nhìn thấy sự thiếu thốn khi dựng lại các trang phục cổ trong điện ảnh cũng như thiết kế, nhóm Đại Việt cổ phong đã cùng nhau thực hiện dự án này. Các hoa văn do thành viên nhóm hoặc người yêu vốn cổ góp lại sau nhiều lần đi thực tế chụp đồ vật. Mức độ phức tạp của những hoa văn này cũng khác nhau. Có hoa văn đơn giản như chữ “thọ”, có hoa văn lại phức tạp hơn nhiều như rồng, phượng, mây hoa...
Còn nhớ, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian, từng lên tiếng về việc các hoa văn, màu sắc dân gian được sử dụng không đúng chỗ, đúng lúc. Chẳng hạn, có những trang phục may cho văn công biểu diễn điệu múa của một dân tộc lại có màu vàng. Người may chỉ nghĩ màu vàng lên sân khấu rất nổi, trong khi đó với dân tộc ấy lại là màu chỉ mặc trong đám tang. Một NTK nổi tiếng cũng từng bị kêu ca vì đã đưa một hoa văn thường chỉ dùng trong đám ma lên thiết kế dạ hội.
Mặc dù vậy, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, việc thiết kế càng ngày sẽ càng cởi mở hơn. Ở đó, những tông màu, những đường nét hoa văn cổ được sử dụng cho nhiều thiết kế khác nhau. “Nó sẽ kéo dài đời sống của các hoa văn đó”, bà nói.
Theo Trinh Nguyễn (thanhnien)
Nếu chúng ta không có sự cởi mở nhất định thì sẽ thành lạc hậu trong dòng chảy đó. Điều này cũng giúp các họa tiết, hoa văn cổ đi vào đời sống
Ông Nguyễn Đức Lộc, chủ Công ty Ỷ Vân Hiên

Có thể bạn quan tâm